Ngày 6/9, quy định giấy đi đường theo mẫu mới hiệu lực, nhưng hiện tại vẫn có rất nhiều trường hợp vẫn đang chờ thẩm định hồ sơ cấp giấy mới và chưa có hướng dẫn thống nhất từ cơ quan chức năng.
Chiều 5/9, 500 giấy đi đường đầu tiên được Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) cấp cho cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.
PC08 nhận được mail đề nghị của Sở Công Thương cấp giấy cho hàng nghìn trường hợp. Cán bộ của Phòng liên tục nhận được các cuộc gọi từ các sở, ngành, doanh nghiệp hỏi về thủ tục. Để phục vụ cấp giấy đi đường, PC08 chuẩn bị 16 máy tính cài đặt sẵn phần mềm, hơn 54 cán bộ sẽ làm việc 24/24h.
Công an Hà Nội bắt đầu tham gia cấp giấy đi đường mẫu mới có QR code trong bối cảnh thành phố hết 45 ngày giãn cách vào 6/9. Thông báo về quy trình cấp mới với nhiều thay đổi ra ngày 5/9 khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ khi 6/9 là ngày đi làm đầu tuần, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Theo đó, PC08 sẽ cấp giấy đi đường cho các cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động của cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Đại diện đơn vị làm việc với sở, ngành chủ quản để cung cấp thông tin, danh sách người lao động, lái xe (ôtô và xe máy) theo biểu mẫu. Sở, ngành sau đó thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách những trường hợp đủ điều kiện cấp giấy gửi qua hệ thống thư điện tử gửi đề nghị cho PC08, không cần đến trực tiếp.
Căn cứ danh sách đề nghị, PC08 sẽ duyệt, in, ký và đóng dấu rồi gửi giấy về sở, ngành. Thời gian hoàn thành cấp một giấy đi đường trung bình từ 3 đến 5 phút.
Trong khi đó, việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới cho người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu thuộc thẩm quyền của công an xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, việc duyệt do UBND cùng cấp thực hiện. Công an địa phương là nơi tiếp nhận, chuyển danh sách và nhận lại sau khi đã được duyệt để ký, đóng dấu và gửi trả phía có yêu cầu. Thông báo của Công an Hà Nội không nêu nêu thời hạn duyệt, cấp trong bao lâu kể từ khi các đơn vị gửi yêu cầu và tiêu chí đồng ý hoặc từ chối là gì. Sau 1 ngày, nhiều người thuộc diện phải cấp mới vẫn chưa liên hệ được với công an địa phương để được hướng dẫn.
Ngày 6/9, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo phương án phân ba vùng (vùng 1, 2 và 3 tương ứng vùng đỏ, cam và xanh). Các lực lượng sẽ kiểm soát giấy đi đường của người di chuyển giữa các vùng ở 22 chốt vùng 1. Trước đó, tối 5/9, tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết trong ngày 6-7/9, hai ngày đầu thực hiện quy định giấy đi đường mới, các lực lượng chức năng “chưa xử phạt mà chỉ kiểm tra nhắc nhở”. Việc chưa xử phạt được lý giải để “chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp”.
Bắt đầu từ 6h ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát toàn bộ người và phương tiện ra, vào thành phố và ra, vào vùng 1 theo giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR.
Theo quy định mới, giấy đi đường có mã nhận diện sẽ do Phòng CSGT và công an các xã, phường, thị trấn tiếp nhận và duyệt, cấp cho các nhóm: Cán bộ, công nhân viên trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu; người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân còn lại sẽ được thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm cấp giấy. Người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc, hàng thiết yếu được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ mua hàng.
Hai nhóm không cần giấy đi đường gồm: Dịch vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện; người đi sân bay, đến các cơ quan ngoại giao hay tòa án theo giấy hẹn. Họ chỉ cần mang giấy tờ chứng minh và phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Theo phân chia, vùng 1 (vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao) gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng 2 (khu vực nguy cơ cao “vùng vàng” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh”) gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng 3 gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây; 9 huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên) và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, biện pháp cấp giấy đi đường là “vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ”. Nhưng với quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, thành phố xác định “làm quyết liệt nhưng không cầu toàn”. Từ việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới, Hà Nội sẽ phân tích để đưa ra “biện pháp tối ưu”. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 – nhánh 4 để được hướng dẫn.
PV