Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến, năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 2.400.
Trong đó, tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ nhất là 1.950 chỉ tiêu; Tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ hai là 450 chỉ tiêu.
Chương trình đào tạo được chia thành các nhóm, gồm: Nhóm 1 báo chí, nhóm 2 các ngành khối lý luận, nhóm 3 ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhóm 4 các ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế.
Nhà trường áp dụng các phương thức xét tuyển gồm: Xét học bạ (dự kiến 15% chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp (dự kiến 15% chỉ tiêu) và Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 70% chỉ tiêu).
Năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục không tổ chức kỳ thi năng khiếu báo chí. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường không tổ chức kỳ thi này.
Về học phí, nhà trường dự kiến các ngành đào tạo lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Các ngành khác hệ đại trà dự kiến: 506.900 đồng/tín chỉ (toàn khóa 143 tín). Hệ chất lượng cao 1.470.010 đồng/tín (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng – An ninh).
Lộ trình tăng học phí cho từng năm theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Năm 2022, điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền dao động 22,8 – 29,25 điểm theo thang 30, từ 33,33 đến 37,6 theo thang 40 điểm.
Theo thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện lấy điểm cao nhất 29,25 xét tổ hợp C15. Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước lấy điểm chuẩn thấp nhất 22,8 xét tổ hợp A16.
Theo thang 40, ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp có điểm cao nhất với 37,6 điểm, xét theo tổ hợp khối D78, R26. Xếp thứ hai là chuyên ngành Lịch sử với 37,5 điểm, xét theo tổ hợp C19. Mức điểm chuẩn cao thứ ba là chuyên ngành Báo truyền hình với 37,19 điểm xét tổ hợp D78, R26.
Học viện Ngoại giao công bố các phương thức xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2023. Theo đó, trường tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 2.100.
Các ngành đào tạo và chỉ tiêu cụ thể như sau: Ngành Quan hệ quốc tế: 460; Ngành Ngôn ngữ Anh: 200; Ngành Kinh tế quốc tế: 260; Ngành Luật quốc tế: 200; Ngành Truyền thông quốc tế: 460; Ngành Kinh doanh quốc tế: 260; Ngành châu Á – Thái Bình Dương học: 160; Ngành Luật thương mại quốc tế: 100.
Học viện Ngoại giao dự kiến xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2023 theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến 3% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành);
Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT (dự kiến 70% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành); Xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn (dự kiến 2% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (dự kiến 25% tổng chỉ tiêu của mỗi ngành).
Năm 2023, Học viện Tài chính tuyển sinh theo 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023.
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính là 4.200, trong đó chương trình chuẩn là 3.000; chương trình đào tạo chất lượng cao là 1.080; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân là 120.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất chiếm 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tối đa 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, thí sinh được đăng ký vào tất cả ngành học nếu đạt học lực giỏi ba năm, mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên vào năm lớp 12.
Những em từng tham gia thi chọn đội tuyển hoặc là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic, thi khoa học kỹ thuật quốc tế; hoặc đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, Văn cũng thuộc nhóm này, nhưng phải đảm bảo thêm điều kiện về học lực.
Đặc biệt, nếu chỉ đạt loại giỏi hai năm, trong đó có lớp 12, thí sinh cần thêm một trong các thành tích sau: đạt giải cấp tỉnh môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn; chứng chỉ IELTS từ 5.5, TOEFL iBT 55, SAT 1050/1600, ACT từ 22 điểm trở lên.
Trường Đại học Giao thông vận tải xét tuyển theo 4 phương thức.
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Phương thức 2: Ở cả hai cơ sở, sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu Tp.HCM.
Phương thức 4: Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm hai môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15.00 điểm trở lên.
Trường Đại học Thương mại cho biết, năm nay trường sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường sẽ tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển kết hợp và có thể giảm khoảng 10% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành/chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển.
3 phương án cụ thể gồm: Xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa (10 – 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (40 – 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT (30 – 40% tổng chỉ tiêu).
Phía nhà trường cũng cho biết, thực tế từ mùa tuyển sinh trước, việc các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khiến nhiều thí sinh lúng túng, làm khó thí sinh. Vì vậy, năm nay nhà trường tinh gọn các phương thức xét tuyển nhằm tạo điều kiện tối ưu cho thí sinh.
Mỗi phương thức xét tuyển của nhà trường sẽ có điều kiện kèm theo. Toàn bộ thông tin tuyển sinh của nhà trường được công bố công khai trên trang điện tử.
Thí sinh có thể cập nhật thông tin tuyển sinh của nhà trường để chủ động chuẩn bị phương án đăng ký xét tuyển phù hợp, nhằm bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Trao đổi về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả và không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó, có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Theo baodautu.vn