Quý I/2021, GDP tăng trưởng 4,48%, cao hơn so với mức tăng 3,68% của quý I/2020 nhưng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn tiếp tục gia tăng.
Tuần tới, Tổng cục Thống kê (TCTK) sẽ công bố chi tiết, cụ thể về tình hình lao động, việc làm quý I năm 2021. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, dường như bức tranh về lao động, việc làm quý I năm nay có nhiều mảng màu xám hơn so với cùng kỳ năm 2020 cho dù kinh tế tốc trưởng 4,48% – cao hơn mức tăng 3,68% của quý I năm 2020.
Nguyên nhân chính là Covid-19
Theo số liệu của TCTK, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2020 giảm 144.200 người so với cùng kỳ năm 2019; thị trường lao động giảm ở hầu hết các địa phương trên cả nước; hầu hết mọi ngành, nghề số lượng lao động đều bị giảm. “Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 75,4%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất 10 năm qua”, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng TCTK cho biết.
Cũng theo ông Vinh, thị trường lao động, việc làm trong quý I năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Chính vì chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nên trong quý I năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) lên đã vượt 7%, trong đó khu vực thành thị lên tới 9,91% còn nông thôn là 5,77%.
Bối cảnh kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm nay đã khác xa so với cùng kỳ năm 2020 vì về cơ bản, không chủ quan nhưng có thể nói Việt Nam đã yên tâm về dịch bệnh khi mà trong vòng một năm (từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021) Việt Nam đã 3 lần khống chế và đầy lùi được dịch bệnh. Tuy nhiên, bức tranh về lao động và việc làm dường như có vẻ tối hơn.
Cụ thể, theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, TCTK, trong quý I năm nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 181.000 người so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
“Tỷ lệ thất nghiệp quý I/2021 ước tính là 2,19%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,96%; khu vực nông thôn là 1,76%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2021 ước tính là 7,44%, trong đó khu vực thành thị là 10,34%; khu vực nông thôn là 5,99%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 ước tính là 2,20%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,52%; khu vực nông thôn là 2,60%. Tất cả các con số này đều cao hơn cùng kỳ năm 2020 (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2020 tương ứng là 1,98%; 1,07%; 2,47%)”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 1/2021 khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020.
Thị trường lao động hy vọng vào du lịch nội địa
Khu vực dịch vụ hiện đang thu hút 19,7 triệu người, chiếm 39,5% lực lượng lao động, trong đó lực lượng lao động làm trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, lưu trú và ăn uống, vận tải hành khách cũng như các ngành nghề, dịch vụ liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động du lịch chiếm tỷ lệ khá lớn trong khu vực dịch vụ. Vì thế, theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, TCTK, do dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được khiến hoạt động du lịch quý I năm nay trầm lắng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động, việc làm chưa sáng lên cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước.
“Trong 3 tháng đầu năm nay vận tải hành khách giảm 11,8%, luân chuyển hành khách giảm gần 21% (cùng kỳ chỉ giảm tương ứng 6% và 8%). Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3/2021 (tháng đã khống chế được làn sóng dịch bệnh thứ 3) mặc dù tăng 77,3% so với tháng trước nhưng vẫn giảm tới 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ có khoảng 48.100 lượt người, giảm tới 98,7% so với cùng kỳ năm trước khiến lao động, việc làm ở khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải bị tác động tiêu cực nghiêm trọng”, ông Phong phân tích.
Hy vọng khách quốc tế đến Việt Nam vào 3 quý cuối năm vừa mới được hé mở đã ngay lập tức đóng lại khi mà làn sóng Covid-19 thứ 3 đã bùng phát trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu  – thị trường khách du lịch rất lớn và đầy tiềm năng của Việt Nam. Vì vậy, theo ông Phong, để phát triển lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải thì cần phải có lộ trình mở cửa dần với khách du lịch nước ngoài trên cơ sở đón khách theo đoàn và tăng cường kiểm soát dịch bệnh.
“Tuy nhiên, lượng khách du lịch nước ngoài khó có thể phục hồi trở lại trong năm nay, kể cả dịch bệnh kiểm soát được vì vậy, các địa phương, đặc biệt là những nơi có lợi thế về du lịch, nghỉ dưỡng, có danh lam thắng cảnh cần phải có kế hoạch kích cầu du lịch nội địa vì mùa du lịch nội địa chuẩn bị mở cửa (bắt đầu từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8). Khi các lĩnh vực này tăng trưởng sẽ góp phần đáng kể trong việc tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới”, ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đứng trên yếu tố kỹ thuật, ông Phạm Hoài Nam cho rằng, thị trường lao động, việc làm quý I năm nay không quá u ám như con số thống kê
“Số liệu về lao động, việc làm từ quý I năm nay được tính toán theo khung khái niệm mới (Tiêu chuẩn ICLS 19) của Tổ chức Lao động quốc tế – ILO nên các số liệu tính toán để xác định tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, lực lượng lao động… có sự thay đổi. Cụ thể là theo Tiêu chuẩn ICLS 19, kể từ năm 2021 trở đi, lực lượng lao động chung sẽ không tính những người lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tự sản tự tiêu nên các chỉ số tính toán dựa vào lực lượng lao động cũng có sự thay đổi so với những năm trước đây. Vấn đề này sẽ được chuyên gia ILO tại Việt Nam giải thích kỹ khi TCTK công bố về số liệu lao động và việc làm vào tuần tới”, ông Nam cho biết.
Nguyễn Ly