Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn tổ chức triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng đối với các chính sách của tổ chức Công đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Gần 550.000 NLĐ bị giảm giờ làm
Thông tin về tình hình quan hệ lao động tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 33 khóa XII diễn ra ngày 27/2, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 NLĐ.
Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… (chiếm 70% tổng số NLĐ bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Ghi nhận 16 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Long An, Đồng Nai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Thuận, Đắk Nông, Bình Phước), có 36 doanh nghiệp nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 NLĐ, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người.
Đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 NLĐ; chưa giải quyết 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 NLĐ. So với năm 2021, số doanh nghiệp, NLĐ và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 NLĐ, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
Trước tình hình nhiều đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, mất việc làm diễn ra thời gian qua, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Ngày 16/1/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.
Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa của tổ chức Công đoàn dành tặng cho đoàn viên, NLĐ, góp phần thiết thực, đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp chăm lo tốt hơn đối với NLĐ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023.
Theo đó, Công đoàn sẽ hỗ trợ đoàn viên và NLĐ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Mỗi đoàn viên công đoàn, NLĐ được nhận hỗ trợ một lần bằng tiền.
Trường hợp đoàn viên công đoàn, NLĐ đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau theo Nghị quyết này thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đoàn viên công đoàn, NLĐ đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.
Trường hợp đoàn viên công đoàn, NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết này nhưng đã được hưởng hỗ trợ tương tự từ các cấp Công đoàn trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực với mức thấp hơn theo Nghị quyết này thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 chính sách hỗ trợ.
Nghị quyết cũng quy định: NLĐ không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với NLĐ là đoàn viên công đoàn. NLĐ không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) thì được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên công đoàn.
Theo Nghị quyết, kinh phí thực hiện hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ được chi từ nguồn tài chính của Công đoàn cấp trên cơ sở.
3 nhóm đối tượng được Công đoàn hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng
Theo Nghị quyết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hỗ trợ NLĐ là đoàn viên công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người.
Nhóm đối tượng thứ hai được hưởng hỗ trợ là đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Cụ thể, NLĐ là đoàn viên công đoàn có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân), tính từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người.
Nhóm đối tượng thứ ba được hưởng hỗ trợ là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, NLĐ là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023 (trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.
Theo LĐTĐ