Điện hạt nhân là lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng từ khâu thiết kế, công nghệ, xây dựng hạ tầng đến vận hành và quản lý pháp quy hạt nhân. Nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố quyết định sự thành công của dự án mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và hiệu quả vận hành lâu dài.
Một nghiên cứu về nguồn nhân lực của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (World Nuclear Association) cho thấy, để vận hành một lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy, cần từ 400-700 nhân lực toàn thời gian. Và để đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động, ước tính cần chuẩn bị khoảng 12-15 năm. Như vậy, thời điểm này chính là khoảng thời gian để chúng ta chuẩn bị về nguồn nhân lực, hệ thống pháp lý, nâng cao công nghệ, an toàn điện hạt nhân…
Trong bối cảnh hiện nay, để có cái nhìn toàn diện về nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hải (Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã gửi hơn 400 sinh viên và một số kỹ sư ngành điện sang Liên bang Nga, Nhật Bản và một số nước khác học tập và thực tập để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư dự án đã bị dừng lại vào tháng 11/2016, hầu hết các nhân sự này đã chuyển sang làm việc cho các lĩnh vực khác.
Có thể thấy, về mặt công nghệ, nhân sự vẫn là một “mảng trống” lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như lò phản ứng hạt nhân, vật liệu và nhiên liệu hạt nhân hay máy gia tốc. Những nhân sự trong lĩnh vực này thường hiếm được đào tạo do liên quan đến chính sách bảo mật khoa học công nghệ, nếu có thì do nhiều nguyên nhân cũng thường ở lại nước ngoài làm việc. Khoảng trống về nhân lực công nghệ hạt nhân là một trong những lý do quan trọng làm chậm sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Cần chính sách thu hút người trẻ
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cho rằng, đội ngũ nhân lực sẽ là yếu tố quyết định trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án năng lượng trọng điểm khác của Việt Nam trong tương lai.
Nhu cầu lớn, song ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam đang đối mặt với khó khăn từ việc thu hút nhân tài đến nâng cao trình độ chuyên môn do đặc thù công nghệ phức tạp và yêu cầu cao khiến lĩnh vực này không hấp dẫn sinh viên trẻ. Hơn nữa, mức thu nhập chưa tương xứng làm giảm sức hút đối với những người mới vào nghề.
Việc khan hiếm nhân lực ngành nguyên tử hạt nhân đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh dự án Ninh Thuận được tái khởi động.
Theo chia sẻ của TS. Trần Chí Thành, trước đây, Chính phủ đã triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân bằng cách đào tạo tại các trường đại học trong nước, hoặc gửi ra các nước tiên tiến.
Thời điểm đó, hàng trăm cán bộ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga và tập huấn ngắn hạn ở Nhật Bản, Pháp, Hungary nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng cần thiết có thể tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành nhà máy.
Riêng Nhật Bản đã đào tạo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một đội ngũ cán bộ khung của nhà máy Ninh Thuận số 2 gồm 32 cán bộ. Nhiều người trong số đó được tiếp tục đào tạo để trở thành những cán bộ đủ năng lực tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và vận hành hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận (nếu dự án không dừng lại), hoặc thành chuyên gia giỏi về điện hạt nhân.
Theo TS. Trần Chí Thành, không chỉ cần tính toán việc đào tạo nhân lực mà còn phải chuẩn bị cơ chế để thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo từ Liên bang Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác quay lại làm việc trong lĩnh vực này. Cần thu hút các sinh viên giỏi vào học ngành hạt nhân (ví dụ có học bổng cho sinh viên học ngành hạt nhân).
“Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành”, TS.Thành cho hay.
Đặc biệt, phải từng bước xây dựng được đội ngũ những người làm pháp quy hạt nhân giỏi về trình độ và có kinh nghiệm thực tế, những người này có thể gửi đi học, làm việc thực tế tại các nhà máy điện hạt nhân của các nước để hiểu biết sâu sắc về vấn đề an toàn, dự báo được những nguy cơ gì có thể xảy ra và từ đó xây dựng được quy định để luôn luôn đảm bảo an toàn khi các nhà máy điện hạt nhân vận hành.
Để có được đội ngũ chuyên gia hàng đầu về năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần có một Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, tập trung vào các vấn đề của điện hạt nhân. Đồng thời xây dựng một Kế hoạch quốc gia đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp độ khác nhau, toàn diện, đầy đủ và hiệu quả.
Hiện nay, Viện Năng lương nguyên tử đã và đang xây dựng một đội ngũ nghiên cứu mạnh mẽ về công nghệ, phân tích an toàn hạt nhân và các lĩnh vực liên quan đến năng lượng nguyên tử. Đội ngũ này sẽ tiếp tục được đào tạo, phát triển thành những chuyên gia hàng đầu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai.
Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực
Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng trong việc phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành này.
Mới đây, ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Tại đây, trường Đại học Điện lực Việt Nam và Đại học Công nghệ Nagaoka đã trao Biên bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. MOU sẽ thúc đẩy hai nước Việt Nam – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh, cho dù kỹ thuật có tiến tiến, an toàn đến mấy, nếu đội ngũ vận hành không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, an toàn và đạo đức nghề nghiệp, nguy cơ mất an toàn vẫn rất cao. Đây chính là thách thức lớn và là nhiệm vụ cấp bách đối với ngành điện hạt nhân, cần được giải quyết ngay lúc này.
Chính vì vậy, Trường Đại học Điện lực đã đề xuất việc phối hợp với các tập đoàn lớn như Mitsubishi, Hitachi và JINED để xây dựng một chương trình đào tạo cụ thể. Chương trình này sẽ cung cấp nguồn nhân lực sẵn sàng vận hành khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vào làm việc, vừa đảm bảo tiến độ con người, vừa đảm bảo tính an toàn về cơ sở hạ tầng.
Giải đáp thêm về những nội dung Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quan tâm, đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mà Nhật Bản và chính quyền đều quan tâm hàng đầu. Đó chính là việc đào tạo nhân lực làm thế nào để có thể đầy đủ kiến thức, kỹ năng cũng như là kinh nghiệm khi làm việc tại các nhà máy phát điện hạt nhân. Để có một nhân lực có đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức làm việc tại các nhà máy đó thì mức độ, trình độ của nhân viên ấy không phải là chỉ dừng lại ở Cử nhân, mà những người đã tốt nghiệp đại học xong sau đó phải học lên bậc Thạc sĩ.
“Theo tôi biết, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị, chúng tôi cũng hy vọng nhận được những thông tin ở phía Việt Nam xem hiện nay nước bạn đang cần, đang tiến những bước như thế nào và cần hỗ trợ ra sao. Do vậy, sau khi Việt Nam có những quyết định ban đầu, chúng tôi rất mong muốn Việt Nam có thể chia sẻ để có thể hỗ trợ hơn nữa”, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi cho biết, Mitsubishi sẵn sàng cùng với Việt Nam hợp tác để phổ biến những kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng lò áp suất phản ứng.
Tương tự, đại diện Công ty phát triển năng lượng toàn cầu Nhật Bản JINED khẳng định, với kinh nghiệm tích lũy được, JINED sẽ cùng Việt Nam xây dựng những chương trình đào tạo nhân tài trong lĩnh vực điện hạt nhân không chỉ có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần thiết mà còn đủ trình độ, kỹ thuật để đảm bảo vận hành nhà máy phát điện hạt nhân một cách an toàn, tuyệt đối nhất.
Là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng nguyên tử, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko cũng khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo chia sẻ của Đại sứ Bezdetko, ngành hạt nhân của Nga là một trong những lĩnh vực phát triển và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Vì vậy, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ hạt nhân, cụ thể là năng lượng hạt nhân”, Đại sứ Nga chia sẻ.
Nga có đầy đủ điều kiện khoa học, kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Trong nhiều năm qua, có khoảng 300 nhân lực Việt Nam đã sang Nga học về lĩnh vực điện hạt nhân.
“Nga luôn sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong dự án vô cùng quan trọng này”, Đại sứ Bezdetko nói.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi có một nguồn nhân lực mạnh và đủ năng lực, Việt Nam mới có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Để thực hiện thành công chương trình đào tạo nguồn nhân lực, cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, chú trọng truyền thông, khuyến khích các sinh viên tài năng theo học ngành hạt nhân, cũng như chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài cho ngành hạt nhân.
Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nếu được triển khai hiệu quả, sẽ không chỉ giải quyết bài toán năng lượng mà còn thúc đẩy nền khoa học công nghệ trong nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ năng lượng thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam thể hiện quyết tâm hành động, hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, đồng thời khai thác, tận dụng nguồn lực trong nước để hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, tiến bước trong: “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Theo VGP