09/02/2021 4:49:55

Nhà nước sẽ đầu tư vào doanh nghiệp qua Quỹ Đầu tư chính phủ

Để phát triển kinh tế, ngoài vốn tư nhân, vốn nước ngoài, ngân sách nhà nước, nhiều nước trên thế giới thành lập quỹ đầu tư chính phủ để đầu tư vào những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Chí Thành cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của SCIC năm 2021 là hoàn thiện Đề án Chuyển đổi mô hình hoạt dộng SCIC thành Quỹ Đầu tư chính phủ.

“Để phát triển kinh tế, ngoài vốn tư nhân, vốn nước ngoài, ngân sách nhà nước, nhiều nước trên thế giới thành lập quỹ đầu tư chính phủ để đầu tư vào những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế”, ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Thưa ông, SCIC đã được giao nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế, vậy có nhất thiết phải thành lập Quỹ Đầu tư chính phủ không?

Cùng với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận; SCIC cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Thực hiện chức năng đầu tư, sau 15 năm hoạt động, chúng tôi đã giải ngân trên 28.450 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, năm 2020, do Chiến lược Phát triển và Kế hoạch Sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2026 của SCIC chưa được phê duyệt, đồng thời còn một số vướng mắc pháp lý về đầu tư, kinh doanh vốn của SCIC chưa được tháo gỡ, như xác định lĩnh vực đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư…, nên chỉ giải ngân đầu tư được khoảng 49,2 tỷ đồng.

Đầu tư là một trong 3 nhiệm vụ chính của SCIC mà trong 15 năm qua mới giải ngân được 28.450 tỷ đồng là quá ít, rất khiêm tốn so với kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra khi thành lập SCIC, đặc biệt so với các quỹ đầu tư chính phủ của nhiều nước trên thế giới như các quỹ đầu tư của Kuwait, Qatar, Nauy, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…

Tôi muốn nói thêm rằng, rất nhiều nước trên thế giới đã thành lập quỹ đầu tư chính phủ để đầu tư vào những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp đầu ngành trong những lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn, thậm chí nhiều quỹ đầu tư chính phủ còn đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc cho chính phủ nước ngoài vay vốn.

SCIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nên phạm vi đầu tư rất hạn hẹp vì bị khống chế bởi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13), thưa ông?

Theo Luật 69/2014/QH13 thì hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước rất hạn hẹp, chỉ được đầu tư vào 4 lĩnh vực (doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế). Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư của SCIC không tương xứng với tiềm năng.

Chính vì vậy, để Quỹ Đầu tư chính phủ đi vào hoạt động thì phải sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13, hoặc cho phép Quỹ hoạt động theo Luật Chứng khoán, theo đúng mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới.

Hoạt động theo Luật Chứng khoán, hiệu quả hoạt động đầu tư của quỹ đánh giá theo “giá trị tài sản ròng” (được xác định bằng hiệu số giữa tổng giá trị tài sản của quỹ với giá trị các khoản nợ phải trả của quỹ), chứ không đánh giá, xếp hạng theo các tiêu chí như doanh nghiệp nhà nước. Vì là quỹ đầu tư, cũng như các quỹ đầu tư khác trên thị trường chứng khoán, khi đầu tư, thì có thương vụ thắng, có thương vụ hòa và cũng có thương vụ thua; có lúc lời, có lúc lỗ, nhưng tổng danh mục đầu tư phải bảo toàn và phát triển được nguồn vốn.

Cũng vì là quỹ đầu tư, nên phải có cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, cũng như các chế độ đãi ngộ khác với doanh nghiệp nhà nước mới có cơ hội thu hút được các chuyên gia đầu tư, phân tích tài chính có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, vì hoạt động đầu tư trên thị trường vốn rất khác hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác. Chỉ cần ra một quyết định đầu tư, thoái vốn chính xác, kịp thời là có thể lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng và ngược lại.

Nếu được thành lập, Quỹ Đầu tư chính phủ sẽ đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp?

Chỉ đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp then chốt, thiết yếu, có ảnh hưởng, tác động lớn đến nền kinh tế.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2020, để tăng 3.500 tỷ đồng vốn cho Agribank phải thực hiện rất nhiều quy trình, thủ tục, mất rất nhiều thời gian để Quốc hội xem xét cho phép tăng vốn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank,VietinBank, BIDV, MB… và ngay cả Argibank cũng cần phải nâng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực Basel 2 và tiến tới Basel 3. Nếu Quỹ Đầu tư chính phủ được thành lập, thì việc tăng vốn không phức tạp như vậy.

Tương tự, để đầu tư vào Vietnam Airlines, Quốc hội cũng phải ra nghị quyết giao SCIC thực hiện, nhưng đến bây giờ, việc đầu tư vào Vietnam Airlines vẫn chưa hoàn tất do còn phải thực hiện một loạt thủ tục nữa. Còn nếu có Quỹ Đầu tư chính phủ, khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, thì thương vụ này chắc chắn hoàn thành rất nhanh sau đó.

Ngoài ra, hàng loạt lĩnh vực, doanh nghiệp thiết yếu khác nữa của nền kinh tế cũng cần phải đầu tư như Vinalines, ACV, viễn thông, sân bay, cảng biển…

Như vậy, Quỹ Đầu tư chính phủ chỉ thực hiện đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, thưa ông?

Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định về điều lệ, tổ chức, bộ máy hoạt động của Quỹ. Theo đó, Chính phủ sẽ giao chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cho Quỹ, cho phép Quỹ được đầu tư vào lĩnh vực nào. Lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào Nhà nước cần đầu tư, thì Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, Quỹ có thẩm quyền tự lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vục doanh nghiệp có hiệu quả đầu tư để phát triển nguồn vốn.

Theo Baodautu.vn