23/01/2023 1:42:41

Người thắp lửa truyền thống Căng và Đồn Nghĩa Lộ

Vượt qua những cung đường đèo Hoàng Liên Sơn nên thơ, hùng vĩ giữa núi rừng Tây Bắc, dưới thung lũng là cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) mướt mát nương chè, sắc vàng nương lúa trên từng ruộng bậc thang… Dừng chân ở miền sơn cước tuyệt đẹp, điều đặc biệt chúng tôi được những “hướng dẫn viên” người xuôi như vợ chồng anh chị Hùng – Thảo, vợ chồng anh chị Nam- Liên tiếp đón nồng hậu… Có lẽ, thiên nhiên trù phú, con người thân thiện và cả những địa danh đi vào lịch sử nơi đây… đã gắn kết họ với mảnh đất này bằng tình yêu nồng nàn như quê hương thứ hai của mình.

Anh Nguyễn Tiến Nam – người gắn bó và tâm huyết hướng dẫn khách tham quan khu Di tích

Đàn giỏi, hát hay, thuộc sử như thuộc lòng bàn tay

Xuất phát điểm chưa từng là hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Nguyễn Tiến Nam tốt nghiệp chuyên ngành khoa học Quản lý ( trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).  Từng trải qua nhiều vị trí từ công tác Đoàn, gắn bó với cơ sở phát triển nông nghiệp, nông thôn mới… Cho đến hiện tại, anh Nam bước sang năm thứ năm  làm cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa- di sản của Phòng Văn hóa- Thông tin thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Vốn là người năng động, đàn giỏi hát hay, sôi nổi trong mọi lĩnh vực, khi bước vào lĩnh vực quản lý khu di tích, di sản, anh Nam đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và “thuộc lòng” từng địa danh gắn với lịch sử trong cuộc chiến đấu đấu, bảo vệ và giải phóng vùng đất Mường Lò- Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952, mở màn cho dịch Tây Bắc toàn thắng. Chất giọng ấm áp, truyền cảm hứng đưa du khách vào miền ký ức thênh thang của những sự kiện lịch sử hào hùng trên mảnh đất Mường Lò- Nghĩa Lộ.

Khu đài tưởng niệm 9 chiến sỹ hy sinh tại Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

Dường như khu di tích Căng và Đồn cũng như mảnh đất, con người Mường Lònơi đây là tất cả tình yêu và niềm tự hào được anh Nam và các đồng nghiệp  nâng niu trân trọng nhất. Anh Nam chia sẻ “ Căng và Đồn không chỉ là khu di tích lịch sử Cách mạng giáo dục truyền thống  yêu nước cho thế hệ trẻ, mà nơi đây còn là địa chỉ tâm linh được nhân dân trân trọng thăm viếng, thắp hương vào các ngày lễ, Tết.” Không chỉ là hướng dẫn viên nhiệt huyết, anh Nam cùng các cán bộ nhân viên khu di tích còn chăm chút nơi đây như một khu du lịch về nguồn rợp bóng cây xanh, trang nghiêm với những hình ảnh, tư liệu quí giá về cuộc chiến đấu của quân và dân ta giải phóng Nghĩa Lộ, cửa ngõ của cả vùng Tây Bắc.

Trang sử bi hùng Căng- Đồn Nghĩa Lộ

Căng và Đồn Nghĩa Lộ ( thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) là khu di tích lịch sử  kháng chiến chống Pháp. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin ký Quyết định số 2410- QĐ/VH chính thức công nhận Căng và Đồn Nghĩa Lộ là Khu di tích lịch sự cấp Quốc gia.

Nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn và cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân ta với sự kiện phá Căng – Đồn Nghĩa Lộ, giải phóng Văn Chấn lần thứ nhất năm 1945.

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ – nơi giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc Việt Nam.

Căng- Đồn Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò. Vào những năm 40 của thế kỷ 20, với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã lập các trang trại tập trung, bắt và giam giữ những người yêu nước tại đây. Bao bọc toàn khu Căng- Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững và lính gác canh giữ nghiêm ngặt.

Xác định Văn Chấn là địa hình núi rừng hiểm trở, nhiều hang động và là vị trí chiến lược quan trọng “tiến có thế công, lùi có thế thủ”. Bởi vậy ngày2/10/1947, thực dân Pháp đem quân tái chiếm Văn Chấn. Chiếm được Văn Chấn, chúng lập nên bộ máy cai trị từ huyện đến xã; đồng thời đặt đồn Nghĩa Lộ thành Phân khu quân sự mạnh nhất trong bốn Phân khu ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Sau khi cắm các đồn bốt và dựng lên bộ máy cai trị, giặc Pháp thực hiện âm mưu chia để trị, dùng người dân tộc này giết người dân tộc khác. Chúng chặt đầu, mổ bụng, moi gan một số cán bộ, chiến sĩ của ta. Rồi dùng mô đá trên Ngòi Lao làm pháp trường xử tử 76 cán bộ, chiến sĩ giữa dòng nước xiết.

Nhân dân các dân tộc Yên Bái và du khách tham quan khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

Trong gần 5 năm (1947 – 1952) chiếm đóng Văn Chấn, bọn Pháp đã giết hại và gây thương tích cho hơn 300 người, làm mất tích khoảng 56 người. Hàng nghìn con em các dân tộc bị cường ép đi làm lính đánh thuê cho chúng, cầm súng bắn lại đồng bào, đốt phá rừng núi quê hương.

Trước sự tàn sát của kẻ thù, quân và dân ta đã đứng lên chiến đấu giành thắng lợi, giải phóng Nghĩa Lộ vào lúc 5h30 phút ngày 18/10/1952. Từ đây, cánh cửa Tây Bắc được mở toang để quân dân ta tiến thẳng và giành chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Trên chính mảnh đất khu di tích này.11 chiến sĩ Cách mạng đã ngã xuống, trong đó 9 đồng chí có tên tuổi và 2 đồng chí chưa rõ tên tuổi. Họ là những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ từ khắp các vùng quê dưới xuôi, không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu giành độc lập cho tổ quốc và nhân dân.

Để tưởng nhớ các trận chiến đấu oanh liệt, ngày 25/7/1992, Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn đã ra quyết định xây dựng “Đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ” ghi tên 9 chiến sĩ cách mạng  đã ngã xuống năm 1945.

Minh Thủy