20/01/2021 9:22:30

Ngôi trường đặc biệt của Việt Nam – “chiếc nôi” của ngành xiếc 3 nước Đông Dương

Từ lớp Xiếc I với chỉ gần 40 học sinh, 60 năm qua, Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, tài năng nghệ thuật xiếc và tạp kỹ cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Cũng từ sự trợ giúp của nhà trường, đã góp phần sáng lập Đoàn Xiếc quốc gia Lào và Đoàn Xiếc Quốc gia Campuchia…

Học nghề từ thủa còn thơ

Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có địa chỉ tại Khu văn hóa Nghệ thuật Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) được thành lập từ ngày 21/11/1961. Từ lớp Xiếc I với chỉ gần 40 học sinh, được tuyển chọn từ 1 số tỉnh, thành phố ở miền Bắc đã chính thức được tổ chức luyện tập dưới hình thức đào tạo kèm cặp tại Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương (nay là Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Để quản lý và đào tạo lớp học sinh này, một bộ phận chuyên trách đào tạo đã được thành lập, Bộ phận này chính là tiền thân của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam hiện nay.

Hiện trường là cơ sở đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật xiếc và nghệ thuật biểu diễn gồm: xiếc người, xiếc thú, ảo thuật, hài hước; hiện đang xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật diễn viên đóng thế (cascadure), nghệ thuật dẫn chương trình (MC), Nghệ thuật trình diễn thời trang và Nghệ thuật múa rối…

60 năm qua, trường là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật xiếc và tạp kỹ uy tín trong nước và các nước Đông Dương. Theo ThS Ngô Lê Thắng, hiệu trưởng nhà trường, trường là trường chuyên ngành xiếc duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn là duy nhất ở các nước Đông Nam Á và trung cấp cũng là trình độ đào tạo cao nhất. Để đạt được trình độ này, học sinh phải học tập, khổ luyện trong thời gian 5 năm.

ThS Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam

Theo thầy Lê Minh Tuyến, giáo viên Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, việc tuyển chọn đầu vào của trường được thực hiện rất kỹ lưỡng, công phu. Bộ phận tuyển sinh của trường phải đi từng nơi, chọn trực tiếp từng em một với các tiêu chí như có tuổi đời từ 11-18 (đối với nam), từ 11-13 (đối với nữ), ngoại hình sáng, có duyên sân khấu, nhanh nhẹn, có độ nhạy, phản xạ tốt, có sức khỏe…

Để có những phút giây thăng hoa trên sân khấu, nhiều bạn trẻ đam mê nghề xiếc phải trải qua quá trình luyện tập gian lao từ thưở bé. Nhiều em phải chấp nhận sống xa gia đình dù tuổi còn nhỏ để luyện tập ngành nghề mình theo đuổi. Khi tốt nghiệp ra trường, học sinh chính thức bước vào các hoạt động nghệ thuật khi mới 16-17 tuổi.

Các giáo viên ở trường xiếc, ngoài một số ít được đào tạo bài bản tại Liên bang Nga, còn lại hầu hết đều trưởng thành từ học sinh tốt nghiệp của trường. Giáo viên chủ yếu phải sử dụng phương pháp truyền nghề trong công tác giảng dạy và huấn luyện chuyên môn xiếc. Đây chính là hình thức đào tạo, trong đó người thầy truyền lại cho học trò của mình những động tác xiếc, những mảng trò xiếc, hoặc những kinh nghiệm xử lý tình huống mà trước đây, khi còn là diễn viên, người thầy đó đã biểu diễn, đã sử dụng, cũng như đã tích lũy được.

 “Các giáo viên phải đồng thời đảm đương 04 vai trò: Xây dựng đề án tiết mục (sáng tác kịch bản); Thiết kế sơ bộ đạo cụ tiết mục; Huấn luyện kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh; Dàn dựng tiết mục biểu diễn”, thầy Lê Minh Tuyến chia sẻ.

Đào tạo nhiều thế hệ xiếc tài năng

Các thế hệ học sinh của Trường hầu hết đã trở thành những diễn viên xiếc tài năng và góp phần đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật Xiếc. Nhiều người trong số họ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Một số người đã trưởng thành và được giữ cương vị lãnh đạo cao trong ngành Xiếc của Việt Nam, Lào và Campuchia như: NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, nguyên Giám đốc LĐXVN, Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc VN; TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam; NSND. Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc LĐXVN, Phó Chủ tịch LCH Xiếc VN; Nghệ sĩ Quốc gia Xổmchít Vong Xavan, nguyên Giám đốc Đoàn Xiếc Quốc Gia Lào, Phó Cục Trưởng Cục NTBD nước CHDCND Lào; Phouk Narin, Giám đốc Đoàn Xiếc Quốc gia Campuchia…

Chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã trở thành “Thương hiệu” và được khẳng định qua các giải thưởng lớn mà học sinh của Trường đoạt được từ các Cuộc thi xiếc, các Fectivan Xiếc trong nước và Quốc tế.

Trăn trở giữ lửa nghề

Theo thống kê, tính đến năm 2020, Trường đã và đang đào tạo được 48 khóa chính quy, không chính quy và đào tạo ngắn hạn cho ngành Xiếc Việt Nam, với tổng số 1560 diễn viên và 526 tiết mục. Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho các đoàn Xiếc trong nước. Trường đã góp phần sáng lập Đoàn Xiếc tỉnh Long An (1982), đoàn Xiếc Gia Lai – Kontum và nhóm Xiếc tỉnh đoàn Tây Ninh.

Đối với việc đào tạo cho nước ngoài, nếu không kể đến hình thức đào tạo mang tính chất sinh hoạt câu lạc bộ cho con em nhân viên các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam như: Thụy Điển, Pháp, Luxembourg, Chile… Trường đã và đang đào tạo được 196 diễn viên và dàn dựng 123 tiết mục xiếc và tạp kỹ cho 2 ngành xiếc của hai nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, góp phần sáng lập Đoàn Xiếc quốc gia Lào và Đoàn Xiếc Quốc gia Campuchia. Hiện Trường đang đào tạo 15 học sinh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các học sinh đã bắt đầu vào huấn luyện tiết mục.

Em Dơ Xông, 14 tuổi, học sinh năm 3 môn nhào lộn, đến từ tỉnh Bolikhamxay ( Lào) ước mơ trở thành nghệ sỹ xiếc ở nước Lào quê hương. Em cho biết có anh trai là Sua Xông cũng học cùng khoa.

Với đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn xiếc và tạp kỹ là nghệ thuật của lòng dũng cảm, thu hút người xem bởi sự mạo hiểm, khéo léo về kỹ năng, kỹ xảo trình diễn và vẻ đẹp tạo hình sân khấu, nhưng tuổi nghề ngắn, những nghệ sỹ trẻ – lực lượng biểu diễn chính tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay lại là đối tượng còn chịu nhiều thiệt thòi.

Ngành nghệ thuật xiếc- tạp kỹ có thời gian đào tạo dài 5 năm, dài hơn cả thời gian đào tạo đại học ở các lĩnh vực khác, nhưng khi ra trường cũng chỉ có bằng trung cấp nên chỉ được xếp loại diễn viên hạng 4. Điều này thực sự thiệt thòi và bất cập đối với các diễn viên. Nhiều nghệ sĩ đã cống hiến hàng chục năm cho nghề, nhưng chưa được phong tặng danh hiệu, cũng như chưa có bằng đại học thì đều bị “tụt hạng” từ diễn viên hạng 3, “xuống” thành diễn viên hạng 4.  Các nghệ sỹ mong Nhà nước tạo điều kiện cho nghệ sỹ chuyển đổi, hoặc tổ chức thi nâng ngạch cho các nghệ sỹ vì với họ việc biểu diễn trên sân khấu mới là điều cốt lõi.

Em Sẳn Nha Hắc ( 14 tuổi), học sinh năm 3 môn nhào lộn, đến từ Viên Chăn ( Lào).

Với thời gian học nghề dài, vất vả, kéo dài đến 5-7 năm, làm nghề có khi chỉ được 2-3 năm với mức lương, đãi ngộ còn thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương, sợi dây neo giữ những nghệ sĩ xiếc với nghề chính là lòng đam mê, tình yêu nghề nghiệp. “Lúc chúng tôi học nghề, đã được các thầy cô truyền thụ lòng yêu nghề, rằng sinh với nghề, bám trụ theo nghề đến cùng và cũng chỉ nghỉ với nghề. Đến thế hệ chúng tôi, chúng tôi lại lan truyền ngọn lửa đam mê đó đến các thế hệ học trò”, thầy Lê Minh Tuyến tâm sự.

Nhiều học sinh của trường chia sẻ, các em nhận thức được đằng sau những vinh quang trên sân khấu là rất nhiều vất vả, gian lao nhưng vẫn lựa chọn và kiên trì đến cùng cho chọn lựa đó. Em Trịnh Ngọc Trâm (SN 2006, Chương Mỹ – Hà Nội), môn nhào lộn cho biết, “quá trình học nghề chúng em không chỉ được các thầy cô truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà còn được chia sẻ những buồn vui với nghề. Những lúc chấn thương, những lúc nản lòng, chúng em lại nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy cô, của các anh chị đi trước. Càng học, càng tìm hiểu sâu, càng gắn bó, em càng thích nghề hơn”.

“Tuy còn nhiều khó khăn và thiệt thòi, nhưng đội ngũ CB, GV của Nhà trường vẫn luôn nhiệt huyết, đoàn kết, đồng lòng xây dựng phát triển Nhà trường đáp ứng yêu cầu của tình hình và bối cảnh mới. Sớm hoàn thiện đề án nâng cấp trở thành trường cao đẳng trong thời gian tới và luôn giữ vững vị thế xứng đáng là “chiếc nôi của ngành xiếc Việt Nam”, hiệu trưởng Ngô Lê Thắng tâm sự.

Theo ThS Ngô Lê Thắng, năm 2020, chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhờ vận dụng các phương pháp tuyển sinh sáng tạo, Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển sinh. Sau 2 đợt tuyển sinh, từ gần 6.500 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh ban đầu, đã có 51 học sinh được công nhận trúng tuyển khóa 41 (niên khóa 2020 – 2025), đạt 102% chỉ tiêu tuyển sinh được giao. “Sản phẩm đào tạo của chúng tôi cung không đủ cầu, 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm, lương cao, có em được Công ty biểu diễn mua vé máy bay đón đi ngay sau hôm tốt nghiệp…”, ông Ngô Lê Thắng cho biết.

Em Nguyễn Đức Thảo ( năm thứ 4) đến từ Hoàng Mai, Hà Nội, đang theo học môn Trụ đu quăng, ước mơ sẽ đoạt giải xiếc quốc tế.

Những học sinh năm thứ nhất vào trường.

Em Nguyễn Thị Phương Lan ( Mê Linh Hà Nội), đang theo học năm thứ 6 môn đạp ô.

Học sinh Phùng Tuyết Phương (cùng hai bạn Tô Kiều Anh, Nguyễn Thu Trang) vừa đoạt Huy chương vàng môn đu dây trên cao tại Liên hoan Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT toàn quốc với tiết mục có tựa đề “Bão” do cô giáo Nguyễn Thị Huyền Mi huấn luyện.

Một số hình ảnh về hoạt động học tập, rèn luyện trong “ngôi trường đặc biệt”.

Lưu Hồng Sơn