24/10/2020 8:26:49

Nghị lực phi thường của chàng trai “không tay” đam mê nông nghiệp hữu cơ

Một tai nạn điện giật năm 22 tuổi đã “cướp mất” đôi tay của chàng sinh viên ĐH Bách Khoa Nguyễn Thế Cường, nhưng không thể tước được của anh khát vọng sống, ý chí vươn lên cùng niềm đam mê làm thực phẩm sạch.

Anh Cường ứa nước mắt khi nhắc đến tai nạn trong quá khứ khiến anh mất cả 2 tay.

Không tay, đôi bàn chân phải càng thêm vững chắc

Nguyễn Thế Cường (38 tuổi, Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) sinh ra là đứa trẻ bình thường trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo Quảng Nam. Vốn là người có nghị lực, anh thi đỗ và trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa, suốt quá trình học tập, anh luôn tận dụng thời gian rảnh đi làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống.

Năm 2009, khi ấy mới 22 anh phải cưa cụt cả 2 tay sau một tai nạn điện giật trong khi đi làm thêm. Bất ngờ và đau đớn khi trở thành người “không tay”, anh Cường bị sốc và suy sụp. Nhiều lần anh ý định tự kết liễu cuộc đời nhưng khi nghĩ về gia đình anh lại không cho phép bản thân làm điều đó.

Anh chia sẻ: “Lúc còn khỏe mạnh, mình chỉ nghĩ đến việc cố gắng vừa học vừa làm kiếm thật nhiều tiền để phụ cha mẹ và em, đến lúc bị thế này mình mới quan tâm hơn cảm xúc của người thân, những người yêu thương mình. Đó là động lực để mình vượt qua và có thể gượng dậy như hôm nay”.

Không có 2 tay, anh Cường làm mọi việc bằng chân một cách thuần thục.

Không có tay, anh phải tự tập đi, tập đứng, tập viết và sinh hoạt bằng đôi chân của mình. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh Cường bỏ dở giấc mơ học tập, tự tìm việc làm. “Mình đi nhiều nơi để xin việc nhưng không ai nhận vì ngoại hình không giống ai. Mặc dù mình “trình diễn” dắt xe điêu luyện nhưng đến xin giữ xe người ta vẫn không đồng ý. Lúc đấy chỉ mong muốn người ta trả công cho 20.000 thôi cũng không được, đau lắm!” – Anh nói trong nước mắt khi nhắc đến quá khứ của mình.

Cùng thời điểm đó, ba bị ốm nặng, mẹ phải nuôi cả nhà khiến anh càng bất lực. Những tưởng những ngày tăm tối ấy sẽ nhấn chìm đi dũng khí trong con người anh, nhưng khó khăn chồng chất khó khăn càng khiến anh không lùi bước.

Cảm động trước nghị lực phi thường ấy, cô gái người Gia Lai Nguyễn Thị Minh Thư đã đem lòng yêu mến anh. Bỏ mặc ngoài tai những đàm tiếu, ngăn cản, anh chị đã đến với nhau và có 2 cậu con trai kháu khỉnh. Lúc này, anh bén duyên với nhiều nghề và chọn việc sửa chữa máy tính là công việc chính để nuôi gia đình.

Cuộc sống bấy giờ cũng coi như ổn định, nhưng anh vẫn không ngừng trăn trở, làm sao để lo được cho gia đình, cho vợ con được đầy đủ, sung túc hơn.

Quyết định xa con, lên đồi tìm “lối đi”

Từ bỏ công việc ổn định, anh Cường đã có bước đi táo bạo. Anh cùng vợ huy động mọi nguồn vốn tự có và vay mượn thêm để thực hiện ước mơ làm thực phẩm sạch hướng đến người tiêu dùng.

Tạm gửi con để ông bà chăm, đôi vợ chồng trẻ lên vùng đất đồi xã Hòa Ninh, Hòa Vang để xây dựng nông trại nông nghiệp chuẩn hữu cơ. Thời gian đầu, anh chị may mắn nhận được sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ huyện Hòa Vang.

Dù vất vả nhưng anh Cường luôn tìm thấy niềm vui trong công việc.

Anh học tập từ nhiều nơi và phát triển mô hình nông nghiệp nhà vườn hữu cơ với nhiều loại rau củ, nấm bào ngư. Đặc biệt mô hình trồng dưa lưới rộng 3.500 m2 với tổng cộng 10.000 gốc đem lại cho anh thu nhập khá. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vừa qua, anh mất trắng hàng trăm triệu đồng vì không tiêu thụ được.

Chia sẻ với PV, hiện tại nhà vườn vẫn còn nhiều khó khăn vì phân hữu cơ phải tự chế, mức tiêu thụ sản phẩm lại không quá lớn. Bên cạnh đó, quy mô nông trại của anh theo hướng cá thể nên vẫn còn hạn chế nhất định. Lựa chọn đi theo nông nghiệp hữu cơ tuy khó nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Dự định trong tương lai, anh sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu nông nghiệp hữu cơ với đa dạng sản phẩm sạch, đạt chất lượng cao, giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng. Anh cũng đang ấp ủ dự định mở một chuỗi cửa hàng nông sản sạch để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm của mình và những người có cùng chí hướng.

Phạm Thương