17/11/2020 9:30:21

Ngành LĐ-TB&XH: Đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020

“Giai đoạn 2015-2020, ngành LĐ-TB&XH đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả ấn tượng. Nổi bật là vấn đề xây dựng thể chế, đổi mới lãnh đạo, đột phá trong giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới để tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tại Đại hội thi đua yêu nước ngành LĐ-TB&XH lần thứ 5 (2020-2025).

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành LĐ-TB&XH lần thứ 5. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đã về dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Đột phá trong giải quyết vấn đề khó

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 75 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đồng hành cùng đất nước, liên tục đổi mới sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, ngành LĐ–TB&XH đã cùng phục vụ đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để đạt được những kết quả ấn tượng. Trong đó, nổi bật là vấn đề xây dựng thể chế, đổi mới lãnh đạo, đột phá trong giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới để tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ.

“Những kết quả đó của ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá và tặng những phần thưởng cao quý”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành LĐ-TB&XH lần thứ 5

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành hầu hết đều đạt kế hoạch ở mức cao nhất với nhiều chỉ số ấn tượng. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thị trường lao động Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, lực lượng lao động cả nước tăng từ 53,9 triệu người lên 56,12 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì trên 70%.

Ước 5 năm, cả nước giải quyết việc làm khoảng 7,854 nghìn người, đạt mục tiêu đề ra, trong đó: Giải quyết việc làm trong nước khoảng 7.234 nghìn người; đưa khoảng 620 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt chỉ tiêu 24%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 dự kiến trên 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 64,5%; trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%.

Công tác tuyển sinh có chuyển biến tích cực, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp có đầu vào tốt nghiệp trung học cơ sở. Ước giai đoạn 2015 – 2020, cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ khoảng 11.077 nghìn người, đạt 103%. Ước tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo là 10.212 nghìn người.

Công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh. tính đến cuối tháng 6/2020 có 15,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Ngành cũng đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng; đã hoàn thành việc rà soát, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng trên cả nước (trong đó, Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; còn lại là những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý).

Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 3%; giảm bình quân trên 1,4%/năm (đạt chỉ tiêu Quốc hội giao); riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm bình quân trên 5,6%/năm (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao)…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 03 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác

Bên cạnh những kết quả đã được tổng kết trong báo cáo Đại hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, bổ sung 2 điểm. “Trong muôn vàn khó khăn về tình hình kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất sâu sắc. Đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội trong 5 năm qua tăng dần hàng năm. Theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, ngân sách nhà nước đầu tư cho an sinh xã hội là 21 % trong tổng đầu tư ngân sách. Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về đầu tư ngân sách này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bên cạnh đó, khảo sát đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương về niềm tin của nhân dân đối với các lĩnh vực xã hội, trong đó hơn 30 chỉ tiêu. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chỉ tiêu về niềm tin của nhân dân đánh giá về an sinh xã hội đứng thứ 5 trong gần 30 nội dung. “Niềm tin đó tăng từ 55 % lên mức 68 % vào tháng 9/2020. Đây là những kết quả rất đáng mừng”.

Phát động Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 – 2025 với chủ đề “Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng ngành LĐ-TB&XH ngày càng phát triển”, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành cố gắng kế thừa được những thành tựu trong những năm qua, đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn ngành.

Đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thi đua thời gian tới đây và cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với trọng tâm thực hiện tốt 4 phong trào thi đua của toàn ngành, nhất là phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo”; Phong trào thi đua của toàn ngành “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả – lấy đổi mới sáng tạo làm thước đo đánh giá sự tiến bộ của toàn ngành”… Theo Bộ trưởng, toàn ngành LĐ-TB&XH cần nỗ lực hơn, cố gắng hơn, để mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong 5 năm tới, có nhiều thành tựu hơn, có nhiều kết quả hơn.

Giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng kết quả của các phong trào thi đua yêu nước và những thành quả to lớn mà ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong những năm qua.

Phó Chủ tịch nước đánh giá trong 5 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên tinh thần lấy con người làm trung tâm thực hiện tiến bộ công bằng xã hội theo từng bước tiến của đất nước và trong từng chính sách phát triển.

Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 đã được Quốc hội thông qua nhằm thể chế hóa những quy định của Hiến pháp và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế, qua đó góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lao động.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Vụ Bảo hiểm Xã hội

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao việc ngành đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động, người có công hộ nghèo gặp khó khăn do đại dịch của Covid-19 vừa qua.

Cũng tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành LĐ-TB&XH tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Tổ chức thi hành Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rà soát quy hoạch và phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng liên thông trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng lao động nông thôn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động lành mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển thị trường lao động hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công đề xuất, nâng mức trợ cấp cho người có công phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước xử lý dứt điểm các tồn đọng về xác nhận công nhận người có công. Đồng thời cần lắng nghe giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của người có công giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến và tiếp tục rà soát việc đề nghị phong tặng truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo tiêu chuẩn quy định.

Hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết để phát triển bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt đa dạng đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp và thực hiện tốt các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm phòng ngừa các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy với truyền thống 75 năm và tinh thần đoàn kết năng động sáng tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Đại hội thi đua yêu nước ngành là dịp để toàn ngành LĐ-TB&XH đánh giá lại kết quả thi đua trong 5 năm qua, tôn vinh những cá nhân và tập thể tiên tiến trong phong trào. Đồng thời, tập trung xem xét lại và tạo ra những phong trào thi đua mới trong 5 năm tới, để ngành tiếp tục có những đổi mới ngành xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái”.

 

 

 

Hải An