Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA) đề nghị các hiệp hội động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch phải sửa chữa cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai kế hoạch công tác năm 2021 vừa diễn ra, nhằm tìm kiếm những giải pháp thoát khỏi tình trạng đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng, thành công trong việc kiểm soát và dập dịch sẽ tạo niềm tin cho du khách. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần phải có những những chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới.
“Ngành du lịch phải tự cứu mình. Các địa phương cần triển khai tốt chương trình du lịch nội địa trong năm 2021. Hiện các công ty lữ hành của TP.HCM đã có khách đi Phú Quốc, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, cần phải khôi phục, phát triển nhân lực cho doanh nghiệp và triển khai sớm các biện pháp chuyển đổi số”, bà Khánh cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch VITA cho rằng trong năm 2021 cần phải có những giải pháp, biện pháp mới để thoát khỏi tình trạng đóng băng do ảnh hưởng của Covid – 19.
Theo ông Thọ, Việt Nam được biết đến là nước chống Covid-19 hàng đầu thế giới. Và việc phát triển du lịch chỉ thuận lợi khi GDP lớn hơn 6%. Với mức độ GDP khoảng 3% như của Việt Nam đã là mức cao hàng đầu thế giới thì không nước nào có thể phát triển du lịch được.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch của VITA cũng đã đưa ra các ví dụ về những nỗ lực phát triển du lịch của các nước khác.
Đó là đầu năm 2021, những nước dẫn đầu về du lịch ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Malaysia… tiếp tục hoạt động du lịch bằng cách tổ chức sự kiện ảo. Đưa ra ví dụ về cách làm của Singapore, nếu du khách ở nước sở tại thì ngoài kèm các voucher, hoạt động MICE, Hội thảo giáo dục trên internet giống như hoạt động bình thường “Face to Face”.
Từ những chuyển biến trong hoạt động du lịch của các nước, Chủ tịch của VITA cho rằng việc tổ chức VITM ở Hà Nội trong thời gian tới, việc có văn phòng ảo sẽ có thể giúp các doanh nghiệp du lịch có được lượng khách lớn hơn con số vài chục nghìn.
“Nếu làm được việc đó, chúng ta có thể tiếp xúc với hàng triệu người ở Việt Nam và thế giới”, ông Thọ nói.
Ngoài ra, ông Thọ cũng cho rằng cần đẩy mạnh du lịch nội địa và đề cập đến việc xem xét mở cửa từng bước đối với thị trường du lịch quốc tế tuỳ theo từng thị trường, từng đối tượng khi Covid-19 được kiểm soát tốt.
Xoay quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Dũng – Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch cho biết, Hội đã gửi bản đề xuất gồm nhiều giải pháp để Tổng cục Du lịch và VITA trình Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ các hướng dẫn viên du lịch (HDV).
“Chúng tôi cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ giảm phí cấp mới, đổi thẻ HDV. Do tạm thời chỉ có thể phát triển du lịch nội địa, nhiều HDV quốc tế chuyển sang làm HDV nội địa mà chưa kịp chuẩn bị những kỹ năng đặc thù. Vì thế rất cần các khoá đào tạo kỹ năng cho HDV như quay phim, chụp ảnh, hoạt náo viên, tổ chức teambuilding…” – ông Dũng nói.
Ông Bùi Văn Dũng cũng đề xuất, nếu các đơn vị, cơ quan khác có nhu cầu sử dụng lao động thì cân nhắc đến việc tạm thời sử dụng một phần các HDV làm thời vụ, để họ có thu nhập trang trải cuộc sống.
Là một trong những đại diện của khu vực Tây Bắc, ông Bùi Anh Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên đã chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch tại địa phương này.
Theo ông Tiến, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguồn thu chưa có nên các doanh nghiệp rất khó duy trì hoạt động. Vì vậy, ông Tiến mong các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Nhấn mạnh về vấn đề nguồn nhân lực của ngành du lịch, ông Tiến cho hay: “Vốn đã khó khăn, đến mùa Covid còn khó khăn hơn do không có việc, người lao động tìm công việc khác để duy trì cuộc sống…
Chúng tôi cũng rất mong khi chúng ta chưa có nhiều các hoạt động du lịch thì có những chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ (ảo, trực tuyến) để các địa phương (như Điện Biên) có bước tiến và sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn hậu Covid-19”.
Còn đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ sự lo ngại cách thức truyền thông về dịch bệnh theo hướng tiêu cực dẫn tới sự e ngại của du khách trước những chủng bệnh mới (mà trên thực tế, chủng mới có những biểu hiện nhẹ hơn chủng cũ).
Ông Vũ Thế Bình đề nghị, các hiệp hội động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch cần sửa chữa cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và thực hiện chuyển đổi số.
Trong năm 2021, VITA sẽ triển khai hoạt động đào tạo theo thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Cùng với đó, tổ chức xếp hạng thí điểm cho bộ phận đầu bếp và giám sát, quản lý buồng cùng nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa như: Diễn đàn du lịch nội địa: Thách thức, cơ hội và giải pháp (dự kiến tháng 4/2021), Hội chợ du lịch quốc tế VITM (dự kiến tháng 5/2021)…
Theo Baodansinh