Bên cạnh sự thiếu hụt nhân lực khi nhiều lao động chuyển nghề do ảnh hưởng của đại dịch, chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao…
Sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch, từ giữa tháng 3 đến nay, du lịch Việt đã tái khởi động, với sự nỗ lực không ngừng của các địa phương, đơn vị trong ngành.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua là cơ hội để các đơn vị trong ngành Du lịch tái cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cấp, làm mới các cơ sở đón khách. Các đơn vị đã không ngừng nỗ lực bằng những cách làm sáng tạo, đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thực tế ảo…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng Cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình, dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022-2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, thì trình độ nguồn nhân lực cũng đang là thách thức đối với ngành Du lịch. Trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành Du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo.
Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao…
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Silk Path, Giám đốc điều hành Khách sạn Silk Path Hà Nội chia sẻ: Trước đại dịch Covid-19, nhiều sinh viên thực tập hoặc lao động thời vụ gần như không được giao việc hoặc tiếp xúc với khách hàng do khách sạn còn e dè về kỹ năng xử lý của họ.
Tuy nhiên mọi chuyện đã đảo ngược sau đại dịch, lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ rất được quan tâm. Đặc biệt, trước khó khăn chung của ngành, thậm chí còn diễn ra tình trạng “săn đầu người” ở nhiều đơn vị. Thực tế này rất căng thẳng khi các thương hiệu cũng cố gắng giữ người trong lúc khó khăn này. Theo bà Thủy, giờ đây nhiều khách sạn phải chủ động tìm kiếm, ký hợp đồng với họ để đảm bảo nhu cầu nhân lực làm việc cho mình.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ những vấn đề đặt ra với công tác phát triển nguồn nhân lực: Đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, trường đào tạo nghề…
Với đặc thù ngành Du lịch dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ, chất lượng phụ thuộc vào năng lực nguời lao động. Đặc biệt, sau dịch bệnh Covid-19 đặt ra những yêu cầu mới về sản phẩm, dịch vụ, nhất là yếu tố an toàn, sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sự cá nhân hóa dịch vụ… do đó, ngành cần có những giải pháp thiết thực, kịp thời đào tạo hiệu quả bằng nhiều hình thức để bù đắp lượng nhân sự thiếu hụt, bổ sung nhân sự chất lượng cao, sẵn sàng đón làn sóng khách quốc tế quay lại Việt Nam…
Nêu giải pháp giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng ngành Du lịch khách sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, từ đó sẽ giúp duy trì một trong những yếu tố mạnh nhất đối với ngành công nghiệp trong năm 2022.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đến phúc lợi của người lao động, đây còn là văn hóa của doanh nghiệp, đánh giá lại môi trường làm việc, ca kíp và cần có những giải pháp tích cực để giúp người lao động trong lĩnh vực khách sạn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phát huy khả năng.
Cùng với đó, cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch cần được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cập nhật thường xuyên và đưa các tiêu chuẩn nghiệp vụ khu vực và quốc tế vào quá trình đào tạo, hệ thống hóa lại hệ thống tài liệu nhằm thống nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra…
Ông Paul Stoll – Giám đốc điều hành mảng dịch vụ du lịch, Tập đoàn Imperial cho rằng, nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng du lịch, ít nhất cần phải đáp ứng được kỳ vọng của du khách về các dịch vụ tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Từ yêu cầu này, ông Paul Stoll nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn, trong đó chú trọng đào tạo gắn với các tình huống thực tế song hành với tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng.
Còn Giáo sư Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo – Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự, nên sau khi hoạt động trở lại lĩnh vực lưu trú, lữ hành và khách sạn là các lĩnh vực thiếu hụt nguồn nhân lực nhiều nhất.
Hiện nguồn nhân lực khách sạn thuộc phân khúc từ một đến 3 sao tăng nhanh; tuy nhiên tại khu vực khách sạn 4 đến 5 sao lại phục hồi chậm, và thực tế nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các khách sạn lớn, chuyên phục vụ khách quốc tế đang chuyển dịch sang ngành nghề khác. Về vấn đề đặt ra là khi lượng khách quốc tế trở lại, nguồn nhân lực cho khách sạn 4 sao và 5 sao sẽ phải giải quyết như thế nào.
Ông Hùng cho rằng: Cần phải chủ động về định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch trong thời gian tới; thay đổi đối tượng tham gia vào chương trình nâng cao chất lượng ngành Du lịch đó là những người đã tham gia, mới tham gia trong ngành Du lịch; các ban, ngành liên quan cần phải dành nguồn lực để đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch… tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lực này…/.
Tú Anh