Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, ngày càng tiến gần hơn ngưỡng cao (4,5%) của mục tiêu kiểm soát lạm phát 4-4,5% trong năm nay. Do đó, cần tiếp tục cẩn trọng trước áp lực lạm phát.
Ngăn “lương tăng, giá tăng”
Nỗ lực ngăn “lương tăng, giá tăng” của Chính phủ dường như đã phát huy hiệu quả khi không có “cú sốc” tăng giá mạnh nào trong tháng 7/2024. Tuy vậy, các số liệu thống kê cho thấy, việc lương tăng vẫn đâu đó “len lỏi” vào giá cả thị trường, khiến CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước đó – mức tăng khá cao so với diễn biến giá cả thị trường từ đầu năm tới nay.
So với tháng trước, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, CPI các tháng từ tháng 1/2024 trở lại đây lần lượt tăng 0,31%; 1,04%; 0,23%; 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48%. Tức là CPI tháng 7/2024 tăng cao thứ hai, sau mức tăng của CPI tháng 2 – tháng có Tết Nguyên đán.
Một điểm đáng chú ý nữa là, trong rổ hàng hóa tính CPI, ngoại trừ nhóm bưu chính – viễn thông giữ ổn định, thì cả 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng.
Trong đó, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất, lên tới 3,77%. Nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45%, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Cùng nằm trong nhóm có chỉ số giá cao còn có Nhóm giao thông – tăng 1,45%. Tháng 7/2024, việc giá dầu diezen tăng 4,07%, giá xăng trong nước tăng 3,55% đã khiến chỉ số giá của Nhóm giao thông tăng khá cao.
Các nhóm hàng còn lại, chỉ số giá tăng không cao, song cũng góp phần đưa mức tăng CPI tháng 7/2024 lên 0,48%.
Đó mới chỉ là mức tăng so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2024 tăng 4,36%. Còn nếu tính bình quân, CPI 7 tháng năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng “nhích” lên của CPI bình quân – chỉ số được lấy để tính lạm phát của Việt Nam – ngày càng rõ ràng hơn.
CPI bình quân đã bắt đầu chạm và vượt ngưỡng 4% sau 5 tháng, sau đó, tăng dần lên mức 4,08% sau 6 tháng và giờ là 4,12% sau 7 tháng. 4,12% cũng là mức tăng cao nhất của CPI bình quân 7 tháng kể từ năm 2020 đến nay.
Đó là lý do, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội kể từ cuối năm 2023, đều cảnh báo về áp lực điều hành giá cả thị trường, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước cũng nhấn mạnh điều này.
Cẩn trọng trước áp lực lạm phát
Trong 7 tháng, xu hướng giá cả thị trường tuy chưa đáng lo, nhưng vẫn là điều cần cẩn trọng và cần được theo dõi chặt chẽ.
“Áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, cần theo dõi sát tình hình giá cả để chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, có giải pháp kịp thời, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4-4,5%.
“Áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo”.
– Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Năm 2024, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu kiểm soát được đặt ra ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, mục tiêu tăng trưởng phải đạt ở ngưỡng trên (6-6,5%), còn lạm phát thì quyết tâm đạt ở ngưỡng thấp (4-4,5%). Sau 7 tháng, lạm phát đã vượt ngưỡng dưới, do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra là không đơn giản.
Thực tế, các tổ chức quốc tế vẫn đang có những dự báo khá lạc quan về lạm phát của Việt Nam. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 4% trong cả năm nay. Trong khi đó, HSBC lại giảm dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2024 xuống chỉ còn 3,6% trong năm nay.
Theo HSBC, lạm phát sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2024, khi hiệu ứng cơ sở thuận lợi bắt đầu có tác động. Tuy vậy, dự báo này loại trừ khả năng dịch bệnh lan rộng tác động lên nguồn cung thịt lợn, do những đợt dịch tả heo châu Phi trước đây đã khiến lạm phát vượt mức mục tiêu.
Trong khi đó, trong dự báo gần nhất dựa trên các số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm, Ngân hàng UOB đã nói về việc sự phục hồi của chi tiêu trong nước đang gây áp lực lên giá tiêu dùng.
Theo UOB, chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, đặc biệt do giá thịt heo, điện, dịch vụ y tế và giáo dục tăng lên. Cùng với đó, việc tăng lương tối thiểu cũng có thể tác động đến lạm phát trong tương lai.
Các dự báo cho thấy, lạm phát năm nay sẽ khó tăng ở mức cao. Tuy vậy, các yếu tố rủi ro vẫn còn đó, nhất là khi lạm phát trên toàn cầu dù hạ nhiệt, song vẫn còn ở mức tương đối cao. Sự chưa chắn này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau cuộc họp mấy ngày vừa qua, đã quyết định giữ nguyên lãi suất và tuyên bố: “Ủy ban không kỳ vọng sẽ thực hiện việc hạ lãi suất cho đến khi có được sự tự tin lớn rằng lạm phát đang giảm với tốc độ bền vững về mức 2%”.
Điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế và giá cả thị trường nói chung. Cộng thêm xu hướng giá dầu trên thị trường thế giới đang tiếp tục tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu, qua đó, tác động đến Việt Nam.
Ở một góc độ khác, có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Theo báo cáo do S&P Global Market Intelligence vừa công bố, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đạt 54,7 trong tháng 7. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể.
Đơn hàng mới tăng, nhưng S&P Global Market Intelligence cũng cảnh báo về việc chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7, với tốc độ tăng giá chỉ yếu hơn một chút so với tháng 6 – mức cao nhất được ghi nhận trong 2 năm trở lại đây. Các nhà cung cấp được cho là đã tăng giá bán hàng, trong khi chi phí vận tải tăng cũng là một nhân tố.
“Chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7. Tốc độ tăng mạnh, mặc dù là chậm hơn so với kỳ khảo sát trước”, S&P Global Market Intelligence cho biết.
Đây có thể cũng là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới CPI của Việt Nam trong những tháng tới.
Hà Nguyễn