Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB) vừa công bố sẽ triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona.
Theo đó, Vietcombank sẽ cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các khách hàng, không tính lãi phạt… Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ giảm lãi suất 1-1,5% đối với các khoản vay hiện hữu ngắn hạn và dài hạn bằng đồng VND; giảm 0,5-0,75% đối với các khoản vay trung, dài hạn bằng đồng USD. Riêng một số trường hợp đặc biệt như người trồng dưa hấu, thanh long, chuối,… (những mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc) sẽ được giảm 3%/năm.
Thời gian áp dụng việc giảm lãi suất, cơ cấu nợ, không tính lãi phạt… từ 11/2 đến 30/4/2020.
Một ngân hàng khác là KienLongBank cũng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng nhiều loại hoa quả chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian áp dụng từ ngày 1/2 đến 30/4.
Động thái này của các nhà băng là thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt cam kết ưu đãi lãi suất, cho vay mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của nCoV
Theo lãnh đạo NHNN, đây là cơ hội để NHTM chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng và là lúc thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân.
Hôm 4/2, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV (dịch nCoV). Sau đó, ngày 6/2, NHNN đã họp với các NHTM để triển khai các giải pháp cụ thể như phối hợp tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp.
Hệ thống ngân hàng cũng đã hoạt động tốt trong thời gian qua, không vì dịch bệnh mà gián đoạn hoạt động, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch.
Theo đại diện một số ngân hàng, có khoảng trên 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus Corona, trong đó có trên 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài.
Nhiều ngân hàng như Vietinbank, Eximbank, Agribank, LienVietPostBank, KienLongBank,… đều có những đánh giá và sẽ có các biện pháp cụ thể đối với nhóm ngành lĩnh vực ảnh hưởng do dịch nCoV.
Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó mà nhiều doanh nghiệp bị đứt nguồn cung từ Trung Quốc, nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc cũng đang lao đao: sản xuất đình đình trệ, phải cắt giảm công nhân… do ách tắc tại cửa khẩu và hàng không ngừng bay.
Riêng ngành du lịch, thiệt hại được ước tính cũng lên tới nhiều tỷ USD trong vài tháng tới do lượng khách Trung Quốc (vốn chiếm khoảng 30% lượng khách quốc tế tới Việt Nam) tụt giảm.
Dịch vụ môi giới bất động sản ảm đạm
Dịch viêm đường hô hấp cấp virus corona đang gây ra những tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, riêng với ngành BĐS, nhân viên môi giới đang trải qua kỳ nghỉ Tết dài chưa từng có.
Như mọi năm, tháng Giêng là khoảng thời gian nhu cầu mua bán nhà đất giảm mạnh bởi theo tâm lý chung, nhiều người không muốn bỏ số tiền lớn giao dịch đầu năm để tránh hao tài lộc. Riêng với các nhân viên môi giới BĐS, kỳ nghỉ Tết Canh Tý năm nay kéo dài chưa từng có vì những ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.
Theo ông N.V.Q, giám đốc một sàn giao dịch BĐS có trụ sở tại quận 1, TP.HCM, thường thì cứ sau rằm tháng Giêng là các nhân viên đã bắt tay vào công việc. Những năm gần đây, đa số khách hàng đã không còn kiêng kỵ giao dịch nhà đất vào đầu năm mới. Tuy nhiên thị trường nhà đất đầu năm 2020 đang cho thấy sự ảm đạm rõ rệt, phần vì tình hình kinh tế nói chung, phần vì dịch bệnh.
“Sau lễ cúng khai trương đầu năm thì nhân viên vẫn đều đặn đến công ty nhưng không có tinh thần làm việc, chào sản phẩm cũng chỉ lẻ tẻ khách quan tâm. Kế hoạch mở bán tập trung dự án mới của công ty bị phá sản chưa biết khi nào triển khai được vì hầu hết khách hàng e ngại tụ tập nơi đông người”, ông N.V.Q chia sẻ.
Vị giám đốc trên cho biết, chưa năm nào nhân viên môi giới BĐS nói chung và ở TP.HCM nói riêng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay. Trong khi nguồn cung dự án vẫn chưa được khai thông thì khách hàng đã quay lưng vì dịch bệnh. Do không có thu nhập nên không ít nhân viên môi giới đã nghỉ việc để chuyển sang nghề khác, bài toán về nhân sự cũng đang khiến công ty đau đầu.
Phóng viên (T/h)