21/09/2023 12:21:27

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023:

Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới

Ngày 19/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.  

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi (giữa) tham luận tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hàng năm của Quốc hội. “Diễn đàn là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội”.

“Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”

Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trình bày tham luận về “Động lực tăng năng suất ở Việt Nam: Vai trò của thể chế, chính sách thị trường lao động” cho biết, xu hướng giảm tỷ lệ tăng năng suất trong dài hạn đang diễn ra trên toàn cầu ở hầu khắp các khu vực trên thế giới đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách.

Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trình bày tham luận về “Động lực tăng năng suất ở Việt Nam: Vai trò của thể chế, chính sách thị trường lao động”.

Bên cạnh đó là thay đổi môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị, giá lương thực/năng lượng, cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các nguồn lực đầu tư cần thiết; hạn chế về tài nguyên…

Cho rằng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên ông Felix Weidencaff cho biết, so với các nước ASEAN hiện nay vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, ông FelixWeidencaff cho rằng, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra…

Theo ông Felix Weidencaff, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp, TS. Nguyễn Lê Hoa Trưởng phòng nghiên cứu Năng suất, Viện Năng  suất Việt Nam cho rằng, có các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Mặc dù thời gian qua, có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; Tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; Tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất

Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất. Theo đó chuyên gia kinh tế của UNDP cho biết, hiện trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu và phần lớn các quốc gia ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất lao động.

Trước đây ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia có tốc đố tăng năng suất lao động tăng nhanh tuy nhiên 2 nước này lại  không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. Các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp mà không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp nhất ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân thì chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.

Chuyên gia của UNDP chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Chia sẻ về việc ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bóng đèn và phích nước Rạng Đông cho biết, nâng cao năng suất lao động là một trong những yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Trên thực tế, Công ty Bóng đèn và phích nước Rạng Đông thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực…

Rạng Đông thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực: trên dây chuyền sản xuất, trong quản lý, vận hành, quy trình nghiệp vụ, mô hình điều hành, trong các hoạt động kinh doanh. Trên các dây chuyền sản xuất, công ty tổ chức xây dựng hệ thống cảm biến đặt tại các điểm kiểm soát quá trình, thu thập dữ liệu theo thời gian thực để điều khiển các cơ cấu, làm các hệ thống máy móc có thể tương tác với nhau, xây dựng hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Việc chuyển đổi số giúp công ty tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực khai thác nguồn lực. Trên các dây chuyền nghiệp vụ, công ty áp dụng các công cụ số, phần mềm thông minh, làm quá trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, tối ưu hóa, chính xác hóa, giúp nhân viên nghiệp vụ thoát khỏi các công việc lặp lại nhàm chán, để giải phóng năng lực sáng tạo.

Chính sách bảo hiểm xã hội, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là hết sức quan trọng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Những định hướng lớn nhất sửa đổi Luật BHXH là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 và hướng đến bảm đảm an sinh xá hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn lực lượng lao động.

Về đối tượng sửa đổi, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ gia đình, có khoảng 2 triệu chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế. Đồng thời bổ sung nhóm đối tượng quản lý HTX và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu rõ, có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) trình lên Quốc hội, đáng chú ý là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng BHXH, quy định thu – chi Quỹ BHXH; giải quyết việc trốn đóng BHXH; giải quyết việc rút BHXH một lần; cải cách hệ thống BHXH một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của Quỹ BHXH trong tương lai.

Q.Trang (ghi)