Ngày 12/3, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa phát hiện và phẫu thuật lấy một mảnh gỗ dài đã xuyên từ hốc mắt vào xoang hàm phải của một nam thanh niên 19 tuổi, đến từ Trà Vinh. Dị vật này đã bị bỏ sót hơn một tháng sau khi bệnh nhân gặp tai nạn giao thông.
Theo thông tin ban đầu, khoảng một tháng trước, Thạch Lâm Đ. (19 tuổi, Trà Vinh) khi đang điều khiển xe máy đã bất ngờ té vào một hàng rào gỗ. Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trà Vinh để điều trị. Sau một ngày điều trị tại khoa Nội của bệnh viện này, anh Đ. đã được xuất viện.
Bệnh nhận được bác sĩ kiểm tra lại sau khi được phẫu thuật lấy dị vật ra.
Tuy nhiên, sau khi về nhà, anh Đ. nhận thấy mắt phải sưng tấy kéo dài. Mặc dù đã sử dụng thuốc, tình trạng không cải thiện, anh đã đến TP.HCM khám tại Bệnh viện Mắt, rồi chuyển sang Bệnh viện Tai Mũi Họng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng khoa Mũi Xoang tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhưng mắt phải sưng và đau nhức. Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Mắt cho thấy thị lực của bệnh nhân vẫn 10/10, không hạn chế vận nhãn.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng đã chỉ định bệnh nhân chụp CT-scan mũi xoang. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị vỡ sàn hốc mắt phải, xương sàn hốc mắt di lệch, và một mảnh gỗ dài khoảng 45mm đã xuyên từ hốc mắt vào xoang hàm phải, kèm theo viêm xoang hàm và xoang sàng phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị vật thành trên xoang hàm xuyên vào sàn ổ mắt, viêm xoang hàm mạn tính phải và vỡ thành trong hốc mắt phải do chấn thương kéo dài một tháng. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi mở xoang hàm phải để lấy dị vật ra.
Dị vật là một mảnh gỗ đã được lấy ra.
Bác sĩ Hải cho biết, dị vật được lấy ra là một mảnh gỗ dài đã xuyên từ hốc mắt vào xoang hàm phải, gây vỡ sàn hốc mắt phải. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và thuốc giảm đau.
Theo bác sĩ Hải, việc chụp CT-scan rất quan trọng trong việc xác định dị vật và quyết định phương pháp phẫu thuật. Khi phẫu thuật lấy dị vật, bác sĩ phải cẩn thận để tránh bỏ sót hoặc gây tổn thương các cấu trúc quan trọng xung quanh như thần kinh thị giác, cơ vận nhãn, mạch máu lớn, hay sàn sọ. Nếu để lâu, dị vật có thể gây nhiễm trùng, giảm thị lực, nhiễm trùng huyết và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
TS-BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM, khuyến cáo: Những người bị chấn thương vùng mặt, đặc biệt là do tai nạn giao thông, cần chú ý các triệu chứng như sưng mặt, nhìn mờ, nhìn đôi, chảy mủ vết thương kéo dài, nước mũi đục có mùi hôi, hoặc chảy máu mũi kéo dài. Nếu gặp phải những dấu hiệu này, cần đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan với các triệu chứng kéo dài dù không đau nhức.
Trong trường hợp có dị vật còn sót lại trong cơ thể sau tai nạn, việc điều trị sớm là rất quan trọng. Điều này bao gồm phẫu thuật lấy dị vật, điều trị nhiễm trùng và sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, mù mắt, hay nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
Thanh Quang