Về dài hạn, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng tiếp tục tăng giá, thậm chí cao gấp 5 lần mức giá hiện tại.
Tính đến 1h ngày 3.1.2021, giá vàng trong nước được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mua vào ở mức 60,95 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 61,65 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 60,9 – 61,65 triệu đồng/lượng.
So với 1 năm trước, người mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lãi 4,83 triệu đồng/lượng, trong khi đó mức lãi tại Tập đoàn DOJI sẽ là 4,65 triệu đồng.
Năm 2021, giá vàng diễn biến theo xu hướng tăng là chủ đạo, với hai đợt biến động đáng chú ý. Đó là thời điểm tháng 4, giá vàng từ ngưỡng 55 triệu đồng/lượng tăng dần và lên mức 57,6 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 6, trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức 1.900 USD/ounce.
Còn vào tháng 11, giá vàng biến động dữ dội, lần lượt vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng, 60 triệu đồng/lượng rồi 62 triệu đồng/lượng. Đến ngày 17/11/2021, giá vàng chạm mức đỉnh 62,25 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính chung trong năm 2021, giá vàng trong nước tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên do giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới nên chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức rất cao, có thời điểm lên đến hơn 12 triệu đồng/lượng.
Theo cuộc khảo sát triển vọng hằng năm của Kitco News, phần lớn các nhà đầu tư trên Phố Main dự đoán giá vàng sẽ lên mức cao vào năm nay.
Cụ thể, có đến gần 3.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thường niên của Kitco. Trong đó, có 54% kỳ vọng giá vàng đạt trên 2.000 USD/ounce; khoảng 20% dự kiến vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.900 – 2.000 USD/ounce và số còn lại dự báo kim loại quý vẫn dao động dưới 1.800 USD/ounce, trong đó thậm chí có khoảng 4% số người tham gia khảo sát cho rằng vàng sẽ giảm dưới 1.600 USD/ounce.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng đã tích trữ hơn 4.500 tấn vàng trong thập kỷ qua. Tính đến tháng 9.2021, tổng dự trữ vàng đạt khoảng 36.000 tấn – lượng lớn nhất kể từ năm 1990 và tăng 15% so với một thập kỷ trước đó.
Đồng thời, sự hiện diện của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các nước đã giảm mạnh trong thập kỷ qua. Vào năm 2020, tỉ lệ quy đổi tiền tệ của đồng bạc xanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ.
Theo giới phân tích, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang tiếp tục chuyển sang vàng. Điều này phản ánh những lo ngại toàn cầu về chế độ tiền tệ dựa trên đồng USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Thái Lan đã mua khoảng 90 tấn vàng, Ấn Độ mua 70 và Brazil mua 60 tấn.
Dự báo về xu hướng giá vàng thời gian tới, chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak thuộc chuyên trang tài chính DailyFX cho biết tuần đầu tiên của tháng 1/2022 sẽ cung cấp những manh mối định hướng khi vàng bị kẹt giữa vấn đề lạm phát hiện này và hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiềm chế lạm phát.
Trên Kitco, đại diện đến từ Goehring & Associates cho rằng, những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng sẽ còn được hưởng lợi. Khi lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả thì vàng sẽ bước vào một đợt tăng dữ dội. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giúp tăng sức hấp dẫn của vàng, bởi nó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Theo đó, chuyên gia Goehring & Associates dự báo vàng sẽ tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 6-7 năm nữa. Còn theo chuyên gia từ DailyFX, giá vàng sẽ lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng sau một thời gian dài kém hấp dẫn hơn các nhiều loại hàng hóa khác.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng kim loại quý có thể mất giá nghiêm trọng trong năm 2022. Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) đưa ra dự báo giá vàng năm 2022 giảm giá 16%. Bà Georgette Boele, chiến lược gia FX & kim loại quý cao cấp của ABN AMRO, cho rằng giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce (tương ứng gần 42 triệu đồng/lượng) vào cuối năm nay, rồi giảm xuống 1.300 USD/ounce (tương ứng 36 triệu đồng/lượng) vào cuối năm 2023.
Vương Tâm