Giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là trong năm 2020, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin với xã hội và đang tích cực đóng góp sức mình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 của ngành LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều ý kiến đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò của GDNN, vai trò của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trong việc góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời “hiến kế” để GDNN tiếp tục có những bước phát triển mới trong năm 2021 và nhiệm kỳ mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Đặt mục tiêu đưa GDNN đuổi kịp giáo dục đại học
Giáo dục nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng. Người học phổ thông có thể rất giỏi, đạt nhiều giải quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại ghi nhận, đánh giá mình trước hết là ở chất lượng nguồn nhân lực sử dụng. Từ người công nhân lành nghề, đến kỹ sư, đến những người làm trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu suy cho cùng đều là nhân lực.
Thế giới hiện xếp hạng giáo dục phổ thông của Việt Nam đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD) trong tốp 40, giáo dục đại học nằm trong tốp 70. Đối với GDNN, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từ chỗ không xếp hạng GDNN nước ta, nay đã xếp hạng thứ 90/158 quốc gia. So với năm 2019, chỉ số xếp hạng của GDNN đã tăng 10 bậc.
5 năm tới đây, chúng ta cần tiếp tục làm tốt công tác GDNN, đặt mục tiêu phấn đấu đuổi kịp, vượt giáo dục đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế. Điều này rất khó nhưng chúng ta phải đặt mục tiêu quyết tâm làm trong nhiệm kỳ mới.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng, triển khai hàng loạt chính sách như phân luồng từ bậc THCS; tạo cơ chế để học sinh, sinh viên trường nghề có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học; tháo gỡ vướng mắc để những chuyên gia, lao động lành nghề trong các DN có thể tham gia vào công tác đào tạo nghề…
Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Nguyễn Xuân Cường: Nguồn nhân lực của đất nước từng bước đảm bảo cho tốc độ phát triển kinh tế từ 7-10%
Việt Nam có dân số đông vào hàng thứ 13 thế giới với khoảng 98 triệu dân. Vấn đề lao động, việc làm bởi thế luôn là nhiệm vụ quan trọng. Lao động làm ra của cải, vật chất cho xã hội, nên ngành lao động phải có nguồn lao động chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước.
Chủ động hội nhập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong hội nhập thì vấn đề đầu tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực của chúng ta đã đảm bảo từng bước cho 20-30 năm với tốc độ phát triển kinh tế từ 7-10%, đây là sự cố gắng vượt bậc của ngành lao động.
Cùng với đó, trong 5 năm vừa qua có 600.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu nước ngoài có hợp đồng. Việt Nam cũng đón khoảng 98.000 lao động chuyên gia có hợp đồng của nước ngoài vào làm việc.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương phối hợp làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nhân lực. Chúng ta cần cố gắng giảm nhanh tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp (hiện nay là 32%), thì mới có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời qua đó năng cao năng suất lao động của khu vực này và cũng là điều kiện để hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng: Cần thành lập Hội đồng kỹ năng nghề
Hiện nay Việt Nam chưa có các Hội đồng kỹ năng nghề làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp. Để giảm thiểu thực trạng thất nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cần thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN, các Bộ, ngành, các DN.
Cùng với đó, cần có chính sách gắn kết nhà trường với DN. Hiện nay, Nhà nước đã xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với DN. Tuy nhiên, chưa có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này, như chính sách đối với nhà trường, với DN, với công nhân kỹ thuật, kỹ sư của DN tham gia giảng dạy, với người học khi học tập ở DN….Vì vậy các chính sách đề ra cần cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, DN, người dạy, người học… trong việc thực hiện sự gắn kết này.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để các DN thấy được lợi ích của việc gắn kết, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội để làm rõ các lợi ích từ việc cộng tác giữa cơ sở GDNN với DN đối với chất lượng lao động qua đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo.
Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động một cách chính xác khoa học và đầy đủ nhằm gắn kết đào tạo và sử dụng lao động, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động…để các cơ sở có hoạt động GDNN có được số liệu tổng quan về nhu cầu của DN trước mắt và lâu dài.
Đối với các cơ sở GDNN, cần đổi mới chương trình đào tạo, hướng đến nhu cầu thực tế của các DN, tăng cường thực hành, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm; đa dạng hóa hình thức, nội dung phối hợp giữa nhà trường với DN. Đặc biệt, từng bước xóa bỏ ranh giới của các khoa; bố trí sắp xếp máy móc, trang thiết bị thành một hệ thống kết nối thông qua internet, robot thành một nhà máy 4.0 hoạt động như một DN để có thể vừa tổ chức đào tạo, vừa nghiên cứu và sản xuất sản phẩm KHCN và thương mại hóa…
Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Bắc Giang: Huy động chuyên gia, kỹ sư giỏi của DN tham gia đào tạo nghề
Năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội do ngành LĐ-TB&XH chủ trì đều hoàn thành, góp phần giúp Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng trên 13%, đứng đầu toàn quốc. Tính riêng trong 10 ngày đầu năm 2021, đã có 3 DN đến Bắc Giang đăng ký đầu tư trên 610 triệu USD. Nhu cầu lao động trong quý I/2021 là trên 15.000 người.
Trước nhu cầu rất lớn về lao động cả số lượng và chất lượng, Bắc Giang đề xuất Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, thể chế hóa các quy định về GDNN theo hướng đổi mới, sáng tạo, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Có văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN (DN) trong hoạt động đào tạo nghề. Trong đó, điều chỉnh quy định về cơ cấu giáo viên cơ hữu dạy nghề nhằm khuyến khích các chuyên gia, kỹ sư giỏi lành nghề của DN được tham gia vào quá trình đào tạo.
Cùng với đó, có định hướng phù hợp, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở dạy nghề giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS. Trong năm học này, tỉnh Bắc Giang có 23.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS, THPT. Nếu hoàn thành mục tiêu 40% số này tham gia học nghề sẽ góp phần giảm áp lực về chi phí đào tạo, sớm đưa lực lượng lao động tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng gần 1,2 triệu dân. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64,58% so với tổng dân số của tỉnh (tương đương 771.367 người). Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế 699.559 người, chiếm 97,76% so với lực lượng lao động, có thể nói nguồn lực lao động của tỉnh dồi dào. Tuy nhiên, trình độ học vấn tay nghề của đa số người lao động còn thấp. Lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm còn nhiều, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Năm 2020 trong bối cảnh tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, nguồn lực về lao động và chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là thách thức lớn. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho công tác phát triển GDNN nói chung và công tác đào tạo nghề nói riêng cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động.
Thực hiện công tác “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn”, tỉnh Cà Mau đã có những chủ trương về đào tạo nghề và giải quyết việc làm với sự liên kết vùng, liên kết khu vực trong phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Để góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong thời gian tới, Cà Mau đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ công chức và người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống.
Cùng với đó, thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, người thuộc đối tượng chuyển đổi nghề, phụ nữ mất việc làm, lao động các xã đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu xâm nhập mặn có điều kiện tham gia học nghề đặc biệt đối với các huyệnTrần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Cái nước…
Thực hiện công tác khảo sát hàng năm ở một số địa phương, đặc biệt là ở những nơi bị xâm nhập mặn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhu cầu của từng địa phương, DN và người lao động.
Các cơ sở GDNN chủ động xây dựng trang thông tin riêng nhằm kết nối giữa cơ sở đào tạo và người học nhằm thu thập thông tin về việc làm chính xác nhất. Qua đó, giúp cơ sở đào tạo định hướng nghề cần đào tạo, đồng thời cũng truyền tải thông tin việc làm, tuyển dụng lao động của các DN đến người học. Đào tạo nghề gắn với các dự án liên kết sản xuất giữa nông dân với DN, các mô hình khuyến nông tiên tiến, có hiệu quả cao.
Tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của cả 3 trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Trong đó tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành trọng yếu như: điện tử, công nghệ thông tin… và các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao như: du lịch, thương mại… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hải An (ghi)