Từ năm 2020 đến nay, xu hướng mỹ phẩm thuần chay, mỹ phẩm “nhân đạo” đang dần dần chiếm lĩnh thị trường. Ngoài quan tâm đến chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng yêu thích và quan tâm đến những thương hiệu thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
Các cụm từ “Cruelty-free” hay “Vegan” cũng xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn khi giới trẻ tìm mua sản phẩm làm đẹp online.
Mỹ phẩm thuần chay – xu hướng làm đẹp “xanh”
Không chỉ chăm chú đến làm đẹp cho bản thân, người tiêu dùng thời hiện đại quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và môi trường. Bởi vậy, những mỹ phẩm với nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Trước kia, khi nhắc đến “thuần chay”, người ta thường nghĩ đến đồ ăn. Còn nay, khái niệm “thuần chay” đã vượt qua giới hạn của khía cạnh ẩm thực, trở thành một phong cách sống và mỹ phẩm thuần chay dần trở thành xu hướng tiêu dùng mới. Tương tự như thực phẩm, các mỹ phẩm gắn mác “vegan formula” cũng nói “không” với các thành phần có nguồn gốc động vật và không kiểm nghiệm trên động vật. Điều đáng nói, các sản phẩm Vegan Cosmetics không chỉ mang lại hiệu quả làm đẹp bất ngờ, đi đôi với khỏe từ bên trong, mà còn thực sự lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần “xanh hóa” toàn cầu, bảo vệ môi trường. Tuyên ngôn “Beauty without cruelty” ngày càng lan rộng và thúc đẩy cuộc cách mạng làm đẹp “xanh”, dịch chuyển ngành công nghiệp làm đẹp theo hướng thân thiện, lành mạnh và bền vững hơn.
Triển vọng mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam từ góc nhìn chuyên gia Hàn Quốc
Theo báo cáo của Grand View Research, một công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ, thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu đã trị giá khoảng 16,3 tỷ USD vào năm 2021. Dự kiến sẽ tăng lên khoảng 20,8 tỷ đô la vào năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,3%. Hàn Quốc là quốc gia có triển vọng sáng sủa đối với thị trường mỹ phẩm thuần chay.
Cô Boyoung Lee – Chuyên gia về Skin care đến từ Hàn Quốc chia sẻ: “Tại Hàn Quốc, hàng năm chúng tôi duy trì tổ chức các buổi triển lãm mỹ phẩm thuần chay. Riêng trong năm 2021, 1.500 loại mỹ phẩm thuần chay đã được tung ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngày càng nhiều công ty dược phẩm và sinh học Hàn Quốc tham gia vào thị trường mỹ phẩm thuần chay, không chỉ ở sản phẩm chăm sóc da mà đã mở rộng sang mỹ phẩm trang điểm. Trái ngược với những lo ngại ban đầu là các sản phẩm màu thuần chay sẽ không đảm bảo độ bền và khả năng ứng dụng cao, nhiều dòng mỹ phẩm thuần chay mới ra đời đang tạo ra những xu hướng độc đáo về màu sắc, có tính năng vượt trội”.
Cũng theo chuyên gia Boyoung Lee, tại Việt Nam, với mỹ phẩm, người tiêu dùng quan trọng trước tiên là thành phần đầu tiên và thứ hai là giá cả. Do đó, để mỹ phẩm thuần chay thực sự phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao trải nghiệm người dùng là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Bởi vì khách hàng phải trải nghiệm thực tế sản phẩm để hiểu hơn về giá trị của mỹ phẩm thuần chay. Về tương lai của mỹ phẩm thuần chay tại Viêt Nam, theo chuyên gia này, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Không chỉ là thị trường tiêu thụ mà sẽ có ngày càng nhiều sản phẩm mỹ phẩm thuần chay mang thương hiệu thuần Việt ra đời do Việt Nam có nguồn nguyên, nhiên liệu tự nhiên giá trị, dồi dào.
Hiện nay, trên thị trường trong nước, nhiều sản phẩm mỹ phẩm thuần chay ‘made in Vietnam’ đã ra đời và được người tiêu dùng lựa chọn. Đây là các dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như dầu thông núi rừng, sữa dê đồng cỏ, mật ong rừng, trà xanh … Theo giới chuyên gia, các sản phẩm được sản xuất ngay tại địa phương lấy nguyên liệu đang góp phần giảm tải lượng khí CO2, thân thiện với môi trường.
Khuynh hướng bền vững thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp
Có thể thấy, hiện mỹ phẩm thuần chay không chỉ là xu hướng nhất thời mà đang lớn mạnh hơn, thậm chí thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp. Một báo cáo của Công ty nghiên cứu MarketGlass, Mỹ cho biết, có 4 nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ phẩm thuần chay.
Thứ nhất, khi người tiêu dùng chứng kiến các hành vi tàn nhẫn, đối xử bất công với động vật, họ muốn chống lại các hành vi phi đạo đức này. Thuần chay vượt khỏi giới hạn của lĩnh vực thực phẩm, trở thành một chọn lựa và phong cách sống.
Thứ 2, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đang được ưa chuộng.
Thứ 3, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bị cấm tại một số quốc gia phát triển.
Thứ 4, sự phổ biến trên diện rộng của các dòng mỹ phẩm an toàn cho người sử dụng.
Theo đó, mỹ phẩm thuần chay từng được xem là một thị trường ngách nay đã tạo ra một sự dịch chuyển lớn trong ngành làm đẹp. Người dùng thay đổi nhu cầu, ưu tiên dòng mỹ phẩm thuần chay, “nhân đạo” đã thúc đẩy những mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, từ sản xuất mỹ phẩm chăm sóc cơ thể, chăm sóc da cho đến trang điểm, từ vệ sinh nhà cửa cho đến các sản phẩm lau chùi chuyên dụng… đều có sự dịch chuyển đáng kể. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm đẳng cấp, lâu đời đã cam kết 100% thuần chay và biến điều này trở thành dấu ấn nhận diện riêng.
Trong tương lai, sự dịch chuyển này tiếp tục được duy trì và trở thành điều tất yếu trên toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm với môi trường. Cùng với sự phát triển của công nghệ, con người ngày càng hiểu hơn những vấn đề mà hành tinh họ sống đang gặp phải và càng có ý thức tiêu dùng trách nhiệm hơn.
Trần Quyền