20/10/2022 11:58:50

Mở rộng hợp tác đưa lao động sang Nhật Bản làm việc

 “Việt Nam và Nhật Bản sẽ mở rộng phát triển, hợp tác toàn diện để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc”.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy tại buổi gặp gỡ, trao đổi với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi, Cố vấn cao cấp Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt mới đây tại trụ sở Bộ LĐTBXH.

Hợp tác để người lao động có việc làm thỏa đáng

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thông tin: Nhật Bản được coi là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt được người lao động Việt Nam ưa thích lựa chọn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi, Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt.

“Trong quá trình thực tập, lao động tại Nhật Bản, thực tập sinh/lao động Việt Nam có điều kiện tham gia, đóng góp cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, sản xuất – kinh doanh của Nhật Bản, giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo điều kiện hỗ trợ tích cực các thực tập sinh/lao động trong việc hoà nhập, học tiếng và làm quen với đời sống văn hóa – xã hội của Nhật Bản” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng nước ngoài nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ cho quốc gia phái cử là các nước đang phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản với các nước phái cử… Đến nay đã có hàng trăm ngàn thực tập sinh kỹ năng trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Những lao động này đã phát huy những kỹ năng, ý thức tác phong công nghiệp, trình độ tiếng Nhật cũng như sự hiểu biết về đất nước, phong tục tập quán của Nhật Bản để đóng góp cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề cập tới 3 vấn đề với ông Takebe Tsutomu để hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác toàn diện, đó là: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động làm việc tại Nhật Bản, phát triển nguồn nhân lực và vấn đề đảm bảo quyền lợi người lao động. Việt Nam có thể đặt hàng Nhật Bản đào tạo ở những lĩnh vực khó mà Việt Nam đào tạo chất lượng chưa cao và ngược lại Nhật Bản có thể đặt hàng Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao để sang Nhật làm việc đồng thời, phối hợp xây dựng mạng lưới an sinh, trong đó có sự hợp tác về bảo hiểm xã hội, các vấn đề an sinh xã hội, sự hợp tác cần toàn diện hơn nữa để người lao động khi tham gia có việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội bền vững.

Giúp người lao động an tâm tu nghiệp

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mới đây, trong buổi tiếp và làm việc với Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Nakatani Gen, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến các chương trình hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng và nhất là vấn đề nâng cao mức sống cho người lao động nói chung tại Nhật Bản, trong đó có lao động người Việt Nam; vấn đề tháo gỡ trong thuế cư trú và thuế thu nhập đối với người lao động Việt Nam tại Nhật Bản (hiện lao động Việt Nam tại Nhật Bản phải chịu 2 loại thuế là thuế cư trú và thuế thu nhập).

“Việt Nam mong muốn Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác; xem xét giảm thời gian phê duyệt hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận tư cách lưu trú, visa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động/thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản. Đồng thời, các nghiệp đoàn cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để người lao động Việt Nam yên tâm tu nghiệp tại Nhật Bản” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt… Đây là những ngành nghề mà lao động Việt Nam có thế mạnh và rất phù hợp với thị trường lao động tại Nhật Bản. Về vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việt Nam đang rất chú trọng đến vấn đề này khi ngay cả trong nước đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, trong 3 sự chuyển đổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân lực thì ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là chuyển đổi nhân lực để hướng tới nguồn lực đại học, cao đẳng có chất lượng cao.

“Nhật Bản có thể chuyển hướng, đặt hàng với Việt Nam về việc đào tạo, bao nhiêu nghề, bao nhiêu trường, chỉ tiêu thế nào, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận được, đáp ứng tốt những gì thị trường Nhật đang cần” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Về phần mình, ông Takebe Tsutomu bày tỏ đồng cảm và chia sẻ với những ý kiến của người đứng đầu ngành LĐTBXH đã đề cập. Đồng thời, đánh giá rất cao những thể chế, chính sách mà Việt Nam đã làm đối với người lao động.

Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt Takebe Tsutomu cũng tiếp thu những ý kiến mang tính xây dựng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhất là những ý kiến được đưa ra tại buổi tiếp Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản trước đó. Ông cho rằng những góp ý, kiến nghị và vấn đề về việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam đã mở ra nhiều góc nhìn mới và là cơ sở để Chính phủ Nhật Bản sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Nhật Bản.

“Tháng 11 năm nay, dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ họp bàn để sửa đổi các chế độ chính sách, trong đó có chính sách về lao động” – ông Takebe Tsutomu nói./.

Theo LĐTĐ