Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù, nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không chuẩn thì chất lượng đầu ra sẽ khó đảm bảo.
Trong mỗi mùa tuyển sinh, việc các trường đại học mở thêm ngành đào tạo mới luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Đáng chú ý, trước đây, khối ngành sức khỏe chỉ có các trường y dược đào tạo thì hiện nay, nhiều trường đại học công lập, ngoài công lập dù “không chuyên” nhưng cũng “lấn sân” sang đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này.
Năm 2023, Trường Đại học Lạc Hồng thông báo tuyển sinh ngành Tổ chức quản lý dược, Dược lý và Dược lâm sàng; Trường Đại học Công nghệ Miền Đông mở thêm ngành Điều dưỡng; Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh ngành mới là Răng – Hàm – Mặt…
Đào tạo khối ngành sức khỏe mang tính đặc thù cao, vì vậy, không ít người đặt ra câu hỏi về công tác đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo các ngành học này trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học.
Đầu vào thấp, đầu ra khó đảm bảo
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia giáo dục, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đào tạo đội ngũ phục vụ trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao rất quan trọng. Do đó, sinh viên phải là những người giỏi, nhiệt huyết, đam mê với nghề.
Những trường đại học “không chuyên” về đào tạo khối ngành sức khỏe nhưng lại mở các ngành y, dược thì thông thường điểm chuẩn đầu vào không cao, có trường lấy điểm chuẩn bằng đúng ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định với nhóm ngành này.
Ngoài ra, một số trường cũng thu hút thí sinh có nguyện vọng học khối ngành sức khỏe nhưng chưa đỗ các trường đào tạo y truyền thống, nổi tiếng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù, nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không thực sự chuẩn thì chất lượng đầu ra sẽ khó đảm bảo, gây mất uy tín cho đội ngũ y bác sĩ nói chung và nhà trường nói riêng trong việc đào tạo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, khi các trường đại học muốn mở ngành sức khỏe nói chung, có đào tạo y khoa thì phải đáp ứng được các yếu tố:
Thứ nhất, có cơ sở thực hành là các bệnh viện bởi thời gian học ở bệnh viện của sinh viên chiếm thời lượng cao trong tổng thời gian đào tạo.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn có chuyên môn, nghiệp vụ cao, vừa giảng dạy lý thuyết, vừa giảng dạy thực hành tốt. Từ đó đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tay nghề.
Thứ ba, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất vì đào tạo ngành này cần các loại máy móc đặc thù, tiên tiến để phục vụ cho quá trình giảng dạy.
Hiện nay, một trường “không chuyên” muốn mở ngành đào tạo sức khỏe có thể gặp khó khi đáp ứng một trong số các yếu tố trên nên các cơ sở giáo dục đại học này có thể xem xét tìm một cơ sở giáo dục đại học có truyền thống và nổi tiếng về đào tạo khối ngành sức khỏe làm bảo trợ và ký hợp đồng với cơ sở giáo dục đó.
Cơ sở giáo dục đại học bảo trợ có trách nhiệm hỗ trợ, chi viện về nhân lực (giảng viên), tạo điều kiện để sinh viên thực hành ở bệnh viện và có trách nhiệm giám sát về chất lượng đào tạo.
Từ đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ được công nhận là được đào tạo dưới sự giám sát, giúp đỡ, bảo trợ của cơ sở đào tạo ngành sức khỏe nổi tiếng đó.
Khi trường mới mở ngành đào tạo sức khỏe đủ mạnh sau một thời gian được bảo trợ (khoảng 10 năm) thì có thể hoạt động độc lập với cơ sở giáo dục bảo trợ.
“Nhân sự ngành y thiếu nhưng không thể vì vậy mà cho phép mở ngành đào tạo tràn lan, mà phải đáp ứng được các quy định chặt chẽ về bảo đảm chất lượng từ tuyển sinh đến giảng dạy và xét tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công khai chương trình đào tạo, bệnh viện liên kết thực hành, đội ngũ giảng viên từng bộ môn để các thí sinh có đủ thông tin cần thiết khi chọn ngành, chọn trường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống bày tỏ quan điểm.
Tuyệt đối không mở ngành mới để chạy theo xu hướng
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, một trường đại học muốn mở ngành mới thuộc lĩnh vực sức khỏe cần xem xét và giải trình rõ ràng về việc đây có thuộc chiến lược phát triển, sứ mệnh của nhà trường hay không. Tuyệt đối không mở ngành mới chỉ vì chạy theo xu hướng.
Nhà nước và các Bộ liên quan cần thể hiện được vai trò của mình trong khâu giám sát, quản lý để đảm bảo chất lượng của ngành.
Đồng thời, cần chú ý đến vấn đề quy hoạch ngành, quy hoạch mạng lưới, nếu không quản lý chặt việc mở ngành thì quy hoạch mạng lưới sẽ có nguy cơ bị phá vỡ.
“Để mở ngành sức khỏe nói chung, y khoa nói riêng không dễ mà phải đáp ứng được nhiều yếu tố như về đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành, cơ sở vật chất…
Chưa kể, khi tên trường không liên quan đến đào tạo lĩnh vực sức khỏe nhưng lại mở ngành y khoa thì liệu rằng các nhà tuyển dụng, các bệnh viện có đánh giá sinh viên đó cao không”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.
Mặt khác, để tránh các trường đại học “đua nhau” mở ngành đào tạo sức khỏe, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng phải xây dựng một quy trình hướng dẫn mở ngành đào tạo như nhiều quốc gia phát triển khác đang làm để hội đồng trường dựa vào từng bước trong quy trình đó, tìm kiếm minh chứng, sau đó mới xem xét mở ngành.
Theo Danviet.vn