23/04/2024 1:33:01

Mô hình đào tạo 9+: Định hướng Đúng- Trúng và Phát triển cho mỗi học sinh

Đây là mục tiêu của mô hình đào tạo 9+  (học văn hóa song song với học nghề) được đưa ra tại Hội thảo mô hình đào tạo 9+ , do trường Cao đẳng Hà Nội (HNC) chủ trì tổ chức chiều ngày 22/04.

Hội thảo thu hút hiệu trưởng, đại diện phụ huynh học sinh của 17 trường THCS tham gia

Hội thảo với ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức xã hội trong việc định hướng phân luồng cho các em học sinh cấp THCS, giảm áp lực cho các em học sinh trước ngưỡng cửa vào các trường THPT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là định hướng góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có kỹ năng nghề chất lượng cao cho thị trường lao động Thủ đô những năm tới.

Từ thực trạng “chạy đua” khốc liệt vào THPT công lập

Khi các em học sinh hoàn thành chương trình THCS, việc chuyển cấp lên các trường THPT công lập giống như một “cuộc chạy đua” khốc liệt là thực trạng nóng bỏng ở hầu hết cá tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại Hà Nội, thông tin tại hội nghị hướng dẫn xét tuyển tốt nghiệp THCS năm học 2024- 2025 mới đây cho hay: T.P Hà Nội có tới 133 nghìn học sinh lớp 9 dự xét tuyển tốt nghiệp THCS. Hiện các trường THPT đã được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học này, trong đó có khoảng 61% học sinh được tuyển vào các lớp 10 các trường THPT công lập.

Theo kế hoạch tuyển sinh của UBND T.P Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024- 2025 diễn ra vào ngày 8 và 9/06. Như vậy, sẽ còn 39% học sinh học hết cấp THCS ( tương đương khoảng 32 nghìn học sinh) dự báo không đủ điểm vào các trường THPT công lập sẽ phải lựa chọn các trường THPT tư thục, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp.

Trước thực trạng đó, HNC coi đây là trách nhiệm, cùng đồng hành với xã hội, các bậc phụ huynh, các em học sinh tốt nghiệp THCS. Từ năm học 2024- 2025, HNC chính thức tuyển sinh, xét tuyển học bạ, đào tạo theo mô hình 9+, ban đầu 3 lớp với tổng số 120 em học sinh.

Trường Cao đẳng Hà Nội – HNC có địa chỉ tại đường Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Với vị thế là ngôi trường có bề dày gần 20 năm xây dựng và phát triển với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, lớp học, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhà giáo dạy các môn văn hóa và dạy nghề có trình độ chuyên môn giỏi, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu dạy và học cho các em học sinh chương trình 9+.

Mô hình 9+ tại HNC với những định hướng phân luồng thiết thực, nhân văn, đảm bảo các mục tiêu “Đúng- Trúng và Phát triển” phù hợp với năng lực của mỗi học sinh . Đây chính là điều thuận lợi, là cơ hội cho các em học sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì và các quận, huyện vùng lân cận được học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp vững vàng.

Khai mở, định hướng đúng năng lực cho học sinh 

Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, sự tâm huyết của các thầy cô giáo đến từ phòng Giáo dục, Đào tạo; hiệu trưởng, đại diện các bậc phụ huynh ở 17 trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì; các chuyên gia về định hướng giáo dục đã có những ý kiến, tham luận khá sôi nổi và nhìn nhận mô hình đào tạo 9+ hiện nay khá tích cực.

Th.S Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng hệ thống giáo dục HPC- HNC, Phó Hiệu trưởng phụ trách Cao đẳng Hà Nội- HNC

Cởi trói nút thắt về tư duy, định kiến của xã hội coi việc học mô hình 9+ như “chiếu dưới”, là đối tượng học sinh “vét” không thi đỗ vào các trường THPT công lập mới chọn mô hình 9+, Th.S Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng hệ thống Giáo dục HPC- HNC, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Cao đẳng Hà Nội- HNC bày tỏ quan điểm:  Thay vì định kiến với học sinh yếu kém mới đi học 9+, cần làm cho học sinh, gia đình và xã hội nhận thức rõ, đây là lối rẽ mới, là hướng đi khác biệt của các em, chọn học nghề sớm, vừa học nghề vừa học văn hóa. Điều này rất cần sự tâm huyết, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc khai mở tiềm năng để nhận biết mỗi em học sinh có tố chất, năng lực gì để xác định, định hướng sự lựa chọn con đường học tập phù hợp. Khi đã định hướng đúng, phải đào tạo thật tốt, thật chất lượng, đạt hiệu quả cao, không để lãng phí, đó là đảm bảo lợi ích cho người học về trang bị hàm lượng kiến thức, kỹ năng và cơ hội việc làm có thu nhập bền vững sau khi ra trường.

Ông Thịnh nhấn mạnh: 120 chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển các em học sinh hệ 9+ vào HNC sẽ là lứa học sinh được đào tạo có sự khác biệt, chuyên biệt hóa đến từng cá nhân người học, thỏa mãn và phát huy tối đa tiềm năng của người học và đảm bảo người học có kỹ năng để hòa nhập sớm vào thị trường lao động. Cùng đó, chất lượng học các môn văn hóa đảm bảo dự thi tốt nghiệp THPT sau này sẽ là nền tảng, niềm tin yêu của xã hội đối với mô hình 9+ của nhà trường.

Thạc sĩ Phạm Thùy Chi, chuyên gia, nhà sản xuất Chương trình định hướng giáo dục ( VTV7, Đài truyền hình Việt Nam) nhận định: Định hướng phân luồng theo mô hình này ở Việt Nam đang bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Theo đánh giá của Tập đoàn Menpower- một đơn vị tuyển dụng nguồn nhân lực nổi tiếng thế giới thì các nhà tuyển dụng hiện nay coi trọng các kỹ năng làm việc mà người lao động đang có ở thời điểm hiện tại, hơn là thâm niên quá trình làm việc. Thậm chí, các nhà tuyển dụng cũng không hoàn toàn dựa trên cơ sở bằng cấp, mà chính là dựa trên kỹ năng, năng lực thực lực của người lao động, thông qua các bài kiểm tra đánh giá năng lực.

Th.S Phạm Thùy Chi, chuyên gia, nhà sản xuất chương trình định hướng giáo dục Đài truyền hình Việt Nam

Thực tế cho thấy ngày càng nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng dựa trên các tiêu chí kỹ năng. Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ, thị trường lao động ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn luôn khan hiếm. Ước tính trên thế giới có khoảng 1 tỷ lao động cần có nhu cầu đào tạo lại, cập nhật các kỹ năng mới.

Bởi vậy, việc phát triển chương trình THPT theo hướng 9+ mang tính cá nhân hóa, phát triển năng lực phù hợp với mỗi học sinh, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mang đến lợi ích cho người học, cho thị trường lao động rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Việc trang bị cho học sinh các năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề không phải một sớm một chiều, mà cần quá trình từ gốc rễ trong từng môn học, hoạt động, trong từng hành vi của mỗi học sinh ở môi trường gia đình, nhà trường. Cá nhân hóa cần được thiết kế rõ ràng trong nhà trường và hy vọng mỗi trường đưa ra được các hướng để khơi dậy đúng tiềm năng, để các em có sự lựa chọn, định hình rõ tương lai nghề nghiệp cho bản thân và tự đó sẽ luôn tự tin phát triển.

Cô Đào Thị Phượng – Hiệu trưởng trường THCS Thanh Oai (huyện Thanh Trì) cũng chia sẻ về lợi ích của việc hướng nghiệp cho các em cuối cấp THCS – hành trang cho tương lai: Định hướng đúng sẽ mang lại hiệu quả đối với các em học sinh, giúp các em tiết kiệm được thời gian tìm hiểu, tiết kiệm được các chi phí học tập, rút ngắn khoảng cách thời gian học tập, thành công nhanh hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng đề cập đến những khó khăn từ rào cản định kiến xã hội từ một bộ phận phụ huynh học sinh chưa có cách nhìn thấu đáo, hiểu rõ năng lực của con mình cũng như những lợi thế mà giáo dục nghề nghiệp đang tạo cơ hội tốt cho mọi người. Hay bản thân các em học sinh thụ động chọn nghề theo truyền thống của gia đình, hay theo mong muốn của bố mẹ hoặc chạy theo hiệu ứng đám đông bạn bè mà chưa hiểu mình đang có năng lực, tiềm năng ở lĩnh vực, ngành nghề nào là phù hợp. Vậy nên, nhà trường mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cấp THCS.

Phát biểu tại hội thảo, cô Lã Thị Tuyết Nhung, phó trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Thanh Trì bày tỏ lời cảm ơn trường CĐ Hà Nội tổ chức buổi hội thảo ý nghĩa. Phụ trách trực tiếp khối THCS, cô Nhung cho biết: “Các chương trình giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép trong các hoạt động của các trường, các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng rất cố gắng. Cố gắng bởi vì hầu hết các thầy cô giáo không được đào tạo chính quy về hoạt động này, nên rất khó khăn khi triển khai hoạt động. Hướng nghiệp có vai trò quan trọng với các em học sinh cấp THCS. Chính vì vậy việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh là điều chúng tôi mong muốn được trường CĐ Hà Nội, các chuyên gia đồng hành cùng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thanh Trì để nhà trường làm tốt hơn công tác định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh”.

Cô Lã Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Thanh Trì bày tỏ những cố gắng, khó khăn của đội ngũ giáo viên khi định hướng giáo dục cho học sinh cấp THCS

Sự khác biệt của mô hình đào tạo 9+ tại HNC

T.S Ngô Văn Hưng, phụ trách chương trình đào tạo 9+ tại HNC chia sẻ tại hội thảo về sự khác biệt của mô hình đào tạo 9+ của HNC so với mô hình thông thường phổ biến tại các cơ sở GDNN tại Việt Nam. Đó chính là cách mở hóa tiềm năng trong mỗi con người; giải pháp, chương trình học tập theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh và điều đó đòi hỏi sự tâm huyết của các thầy cô giáo nhà trường với các em học sinh. Nhà trường xây dựng chương trình tích hợp để dạy học sinh theo đúng năng lực, sở thích, động viên khám phá bản thân trong quá trình học tập tại trường.

Thầy Hưng cho biết: Tuần đầu tiên đến trường không phải là các bài học trong sách giáo khoa, mà đó là những bài test tâm lý được chuẩn bị sẵn bằng phiếu đánh giá trắc nghiệm. Qua đó, sẽ đánh giá được năng lực, điểm mạnh, điểm yếu và sở thích ngành nghề để định hướng phù hợp theo hướng cá nhân hóa. Việc kiểm tra đánh giá hoàn toàn không dựa theo cảm tính mà hoàn toàn có cơ sở khoa học từ các tiên tiến trên thế giới có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Mô hình đào tạo 9+ tại HNC với thời gian đào tạo 3 năm, sau tốt nghiệp học sinh được nhận hai bằng tốt nghiệp THPT và Trung cấp. Nếu có nhu cầu, học sinh học lên Cao đẳng chỉ mất từ 1-1,5 năm (tùy theo từng ngàh học). Đây là mô hình hiện đang phổ biến tại các nước phát triển như: Đức, Nhật Bản, Đài Loan. Tham gia học chương trình 9+ tại HNC, học sinh được đào tạo theo khung chương trình THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với bằng tốt nghiệp THPT, học sinh có thể đăng ký học tiếp chương trình Cao đẳng và Đại học.

TS Ngô Văn Hưng, giảng viên cao cấp, phụ trách chương trình 9+ của HNC nhấn mạnh của Cá nhân hóa trong quá trình đào tạo

Đối với chương trình Trung cấp song song với học văn hóa, HNC triển khai đào tạo 7 ngành mũi nhọn, đang được thị trường cần rất nhiều đến nguồn nhân lực có kỹ năng chất lượng cao bao gồm: Chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp. Đặc biệt, HNC cam kết 100% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên ngành đã học.

Những lợi ích mang đến cho người học là: Xác định được cụ thể nghề nghiệp và học nghề sớm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động; Đi làm sớm, lập nghiệp trước tuổi 20; Học văn hóa và học nghề song song, linh hoạt. Học phí ổn định trong suốt quá trình học; Học nghề được đào tạo trong lòng doanh nghiệp; Cơ hội tiếp tục học tập lên bậc cao hơn như cao đẳng, đại học; được nhà nước cấp bù toàn bộ chi phí học nghề hệ Trung cấp, theo Nghị định 81/2021/NĐ- CP; Sớm phát triển kỹ năng mềm để thích ứng với những đổi thay, tự tin hội nhập và phát triển và đặc biệt là giảm áp lực thi THPT và thi Đại học.

Bảo Linh