29/06/2022 11:30:36

Mô hình đại học đổi mới sáng tạo và bài toán liên kết doanh nghiệp với đào tạo nhân lực

Theo GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, việc bắt tay hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học được xem là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Buổi gặp gỡ báo chí với chủ đề: “Liên kết trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực” do Đại học Phenikaa tổ chức ngày 29/6… Ảnh: NN&CS

Trong những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng được các trường đại học coi trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Với mô hình này, các trường đã mời doanh nghiệp cùng tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá người học, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đưa sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập, tuyển dụng lao động.

Sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động giáo dục – đào tạo trên thế giới cũng như trong nước bị đứt đoạn, nhiều chương trình học đều phải thay đổi, cắt giảm vì không còn phù hợp hoặc không mang đến hiệu quả thực chất.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội cho ngành giáo dục nói chung, đặc biệt là các trường đại học nói riêng đẩy mạnh các hoạt động điều chỉnh trong chương trình đào tạo, phương thức truyền tải, nhằm giúp sinh viên tiếp cận được sâu hơn các ngành, nghề mới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Với mục tiêu giới thiệu về mô hình đào tạo đề cao “thực hành trải nghiệm”, ngày 29/6, Đại học Phenikaa đã tổ chức buổi họp báo với chủ đề: “Liên kết trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực”.

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NN&CS

GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, Phenikaa là một trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 50 ngành/chương trình đào tạo đại học và sau đại học thuộc 4 khối ngành: Kỹ thuật – Công nghệ; Khoa học sức khỏe; Kinh tế – Tài chính và Khoa học xã hội nhân văn.

Trong đó nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ và Khoa học sức khỏe đang là hai lĩnh vực đang được trường này tập trung đầu tư, chú trọng; từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nội dung đào tạo gắn với trải nghiệm, thực hành.

Theo đó, sinh viên Đại học Phenikaa sẽ có được 50% thời gian học tập gắn với trải nghiệm thực tế; học hỏi từ các chuyên gia đến từ doanh nghiệp; tham gia thăm quan, thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp.

Đây là lợi thế có được từ sự đầu tư tài chính cùng mạng lưới hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng của Tập đoàn Phenikaa – một một tập đoàn kinh tế đa ngành với gần 30 đơn vị thành viên trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực cốt lõi: Công nghệ, công nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo GS. Huy, hiện nay nhà trường đã có sự liên kết chặt chẽ và hợp tác với khoảng 100 doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế trong liên kết đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và cung ứng nguồn nhân lực để mang lại lợi ích kết hợp cho các bên.

Một buổi đào tạo của sinh viên ngành y – dược Phenikaa. Ảnh: NN&CS

HƯỚNG TỚI MÔ HÌNH: “TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỔI MỚI SÁNG TẠO”

GS.TS Phạm Thành Huy cho rằng, mô hình đào tạo đại học của chúng ta đang dần thay đổi. Trước đây, các thầy cô tham gia vào hoạt động chính là đào tạo, còn các bạn sinh viên có thể thực hành trong trường và ngoài trường. Đa phần các thầy cô lại chính là người tích cực tham gia vào nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm…

Tuy nhiên, đó là sản phẩm tương lai, chỉ có một vài sự chuyển giao từ trong nhà trường mới đến doanh nghiệp. Giờ đây trong định hướng đổi mới sáng tạo thì các trường đại học cũng đóng vai trò như một doanh nghiệp tri thức và các tài sản trí tuệ của các thầy cô thì có thể hình thành lên doanh nghiệp.

Với mô hình mới như vậy thì tất cả các giá trị từ trường đại học sẽ trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị và tạo nên giá trị bên trong trường.

Phòng lab nghiên cứu công nghệ nano của Đại học Phenikaa. Ảnh: NN&CS

Theo GS Huy, với mô hình này, nguồn thu của nhà trường không chỉ đến từ học phí (giảm bớt gánh nặng học phí đến với người học) mà giờ đây nhà trường có thể có doanh thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động thúc đẩy các sản phẩm mới để tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội.

Cho đến thời điểm này, gắn với hoạt động đào tạo, nhà trường đã có khoảng 6 doanh nghiệp như Công ty chuyển đổi số Phenikaa, CTCP công nghệ và giải pháp chiếu sáng, CTCP Phenikaa-X… để hỗ trợ sinh viên trong nghiên cứu, khởi nghiệp và tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

“Đây đều là những doanh nghiệp của nhà trường được thành lập trong 2 năm qua. Chúng tôi tin rằng với cách tiếp cận như vậy thì mô hình này sẽ tiếp tục được nâng tầm…”, GS. Huy cho biết.

Tuấn Việt