Vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu lý do công nhận độc lập của 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm hôm 23/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và các đảm bảo an ninh giữa Nga và phương Tây.
Tổng thống Putin cho rằng “sự gây hấn của chính quyền Ukraine ở Donbass và việc họ từ chối thực hiện thỏa thuận Minsk” là lý do khiến Nga quyết định công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai tại Đông Ukraine.
“Ông Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa ra quyết định trong bối cảnh chính quyền Ukraine gây hấn ở Donbass và tuyệt đối từ chối thực hiện thỏa thuận Minsk”, tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.
Đối với các đề xuất an ninh của Nga, ông Putin bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng của Mỹ và NATO, khi họ phớt lờ những quan ngại và yêu cầu chính đáng từ Moscow.
Trước đó, Tổng thống Putin ngày 21/2 đã ký sắc lệnh công nhận “độc lập và chủ quyền” của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng tại Đông Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình tối 21/2, ông Putin thông báo đã ký thông qua sắc lệnh công nhận sự độc lập của hai quốc gia ly khai tự xưng: “Tôi cho rằng cần phải đưa ra quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu để ngay lập tức công nhận Cộng hoà Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hoà nhân dân Lugansk (LPR)”.
Tổng thống Nga nói đây là kết quả trực tiếp từ sự thất bại của các thỏa thuận Minsk năm 2014, được xây dựng để chấm dứt chiến tranh. “Họ không quan tâm đến các giải pháp hòa bình”, ông Putin nhấn mạnh. “Mỗi ngày họ đều tập trung quân đội ở Donbass.”
Ông Putin chỉ trích Kiev vì “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và “nỗi ám ảnh với Nga”, viện dẫn việc đóng các hãng tin truyền thông bằng tiếng Nga và ban hành các quy định mà ông Putin cho là phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Ông Putin cũng cáo buộc Kiev đang đưa người đến phá hoại các cơ sở hạ tầng của Nga và cố gắng “lôi kéo các quốc gia nước ngoài vào cuộc xung đột với Moscow”. Ông nhấn mạnh, tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine sẽ tạo nên “mối đe dọa nhằm vào Nga”.
Tổng thống Nga cũng đề cập đến nguồn gốc của Ukraine và mối quan hệ của nước Cộng hoà Liên Xô cũ này với Moscow.
“Hãy để tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng tôi. Đó là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và thế giới tinh thần của chúng tôi. Người Ukraine là những người mà chúng tôi có quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình, là bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp.”
Năm 2015, Bộ Tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã ký Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt chiến sự đẫm máu ở miền Đông Ukraine giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, thỏa thuận này vẫn không được thực hiện đầy đủ. Các bên vẫn vi phạm lệnh ngừng bắn.
Khu vực Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014 giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai. Giới chức Ukraine cho biết, kể từ khi các cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai, đến nay đã có khoảng 15.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 cho phép lực lượng đặc nhiệm đến vùng Donbas của Ukraine.
Theo RIA, Tổng thống Putin nhận định xung đột giữa lực lượng Nga và quân đội Ukraine là “không tránh khỏi”, vấn đề chỉ là khi nào xảy ra.
Do vậy, chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ người dân. Những tình huống như vậy cần hành động quyết đoán từ Nga, theo ông Putin.
Tổng thống Nga nhấn mạnh không có ý định xâm chiếm lãnh thổ Ukraine. Ông kêu gọi những người lính Ukraine buông vũ khí và trở về nhà.
Vương Tâm