Sáng ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam (VAVET&SOW) đã tổ chức toạ đàm trực tiếp và trực truyến góp ý đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
TS. Phan Sỹ Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội VAVET&SOW chủ trì toạ đàm. Tham gia toạ đàm có PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội VAVET&SOW, cùng hơn 20 đại biểu là lãnh đạo nhiều trường cao đẳng, trường trung cấp và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giáo dục trong toàn quốc.
Lãnh đạo Hiệp hội VAVET&SOW và các đại biểu dự toạ đàm góp ý đối với dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) tại điểm cầu Văn phòng Hiệp hội ở Hà Nội
Thống nhất về những điểm mới trong dự thảo Luật
Tại toạ đàm, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề – mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau THCS. Bên cạnh đó, dự thảo mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN, quy định cụ thể về giảng viên đồng cơ hữu, nâng chuẩn chương trình đào tạo và hệ thống bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, nhiều quy định đã được điều chỉnh, rút gọn hoặc chuyển sang các luật liên quan nhằm giảm trùng lặp và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDNN. Những nội dung không còn phù hợp như phân loại cơ sở, điều kiện chia tách – sáp nhập, các thủ tục liên kết đào tạo quốc tế… đã được loại bỏ hoặc phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết.
Đồng thời, dự thảo bổ sung các quy định công nhận kết quả học tập, kỹ năng đã tích lũy; mở rộng đối tượng được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đối với cơ sở giáo dục nghệ thuật, cơ sở thuộc lực lượng vũ trang; cho phép cơ sở GDNN đầu tư ra nước ngoài, phù hợp với xu thế hội nhập toàn diện.
Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Cần làm rõ nội hàm về những định hướng phát triển của GDNN trong vài chục năm tới
Các đại biểu dự toạ đàm đều thống nhất cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nguồn lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong vài chục năm tới, ít nhất là trong 10 năm tới để nhằm đáp ứng với yêu cầu của “Kỷ nguyên vươn mình”.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) chưa rõ nội hàm về những định hướng phát triển của GDNN trong nhiều năm tới. Vì vậy, Luật cần đưa ra những định hướng, mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể từ đó giúp định hình về đường hướng phát triển của lĩnh vực GDNN, nhất là trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong vài chục năm tới.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cũng kiến nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn vai trò của quản lý nhà nước trong định lĩnh vực GDNN.
Cần làm rõ mô hình trường trung học nghề với mô hình chương trình trung học nghề trong trường cao đẳng, trung cấp.
Nhiều ý kiến của đại biểu, nhất là một số lãnh đạo của trường cao đẳng, trường trung cấp nghề đã tỏ ra băn khoăn rằng: Nếu dự thảo Luật đã công nhận chương trình giáo dục trung học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp chuyên biệt rồi thì không cần thiết phải thành lập mô hình trường trung học nghề nữa, để tránh lãng phí nguồn lực và cơ sở vật chất. Đặc biệt, nếu tổ chức chương trình đào tạo trung học nghề trong các trường cao đẳng, trung cấp, thì kinh phí nên do ngân sách Nhà nước chi trả, vì hệ trung học nghề vẫn thuộc phạm vi chương trình trung học phổ thông.
Còn nếu cần thiết vẫn tổ chức các trường trung học nghề thì nên theo hướng đào tạo nghề theo chuyên ngành, chứ không nên đa ngành, vì nếu trường trung học nghề mà đa ngành thì có thể sẽ hời hợt, không chuyên sâu, không hiệu quả.
Cần làm rõ mô hình trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyên biệt với chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề trong trường đại học
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đã có trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyên biệt rồi thì cần xem xét việc xây dựng chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp trong các trường đại học. Vì nếu thiết kế chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp trong các trường đại học sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong quá trình tuyển sinh và cấp bằng liên thông đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyên biệt.
Có đại biểu là lãnh đạo một trường cao đẳng nghề đã thẳng thắn phát biểu: Các trường đại học chuyên về đại tạo, nghiên cứu hàn lâm mà lại đào tạo thêm cao đẳng, trung cấp nghề, rồi cấp luôn bằng liên thông để sinh viên sau khi học xong cao đẳng, trung cấp thì lên tiếp đại học… Như vậy, sẽ rất khó kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên; đồng thời gây bất lợi, khó khăn cho các trường cao đẳng, trung cấp trong công tác tuyển sinh.
Cần làm rõ khái niệm tự chủ đối với các cơ sở GDNN
Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn về khái niệm tự chủ. Vì hiện nay, đối với các cơ sở GDNN hạng II, hạng III đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, khó khăn trong thu hút học viên, mà lại phải tự chủ, nhất là tự chủ về kinh phí thì càng gặp khó khăn hơn. Vì vậy, dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) cần phân tách rõ khái niệm tự chủ hoàn toàn đối với những cơ sở GDNN hạng I, còn đối với những cơ sở GDNN hạng II, hạng III chỉ nên giao tự chủ trong nguồn kinh phí được phân bổ.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ phạm vi giao tự chủ. Hiện nay, dự thảo Luật đang nặng quy định giao tự chủ về tài chính, mà chưa quy định rõ hơn giao tự chủ đối với xây dựng chương trình đào tạo, tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về liên kết, hợp tác đào tạo, v.v…
Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp đều tỏ ra băn khoăn về mô hình Hội đồng trường. Với những cơ sở GDNN hạng I, tính tự chủ cao nên cần phải có Hội đồng trường để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, giám sát quá trình vận hành. Còn đối với những cơ sở GDNN hạng II, hạng III quy mô vừa và nhỏ, tính tự chủ không cao, được ngân sách Nhà nước bảo đảm thì không cần thiết phải có Hội đồng trường, vì như vậy sẽ gây thêm gánh nặng cho tổ chức bộ máy và ngân sách.
Cần cho doanh nghiệp thấy rõ được lợi ích, quyền lợi, địa vị phát lý trong mô hình liên kết đào tạo.
Thực tế cho thấy thời gian qua mô hình “đào tạo kép” giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề đã phát triển rất có hiệu quả. Có nghĩa là doanh nghiệp chủ động tham gia vào chương trình đào tạo nghề ngay trong nhà trường nhằm tạo ra số lượng học viên có trình độ và tay nghề theo đúng mong muốn của doanh nghiệp. Hoặc nhà trường tham gia vào quá trình đào tạo, đào tạo lại cho người lao động ngay trong doanh nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả của việc vừa học, vừa làm, từ đó giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa cho thấy rõ doanh nghiệp sẽ được lợi ích gì và quyền lợi như thế nào trong mô hình liên kết đào tạo này. Đặc biệt là ý nghĩa, vai trò và địa vị pháp lý của doanh nghiệp khi tham gia liên kết…
TS. Phan Sỹ Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội VAVET&SOW tổng kết toạ đàm
Phát biểu tổng kết toạ đàm, TS. Phan Sỹ Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội VAVET&SOW nhấn mạnh: Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm nhằm thu nhận nhiều hơn ý kiến góp ý của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục đối với dự thảo Luật GDNN (sửa đổi), kịp thời chuyển tới ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình Quốc hội thông qua./.
Trí Dũng