27/10/2023 5:11:14

Long An cần ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại

“Sản phẩm Long An hiện nay đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn chưa chính ngạch, chủ yếu còn xuất khẩu tiểu ngạch, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong việc xuất nhập khẩu”- Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định .

Theo đó, Thứ trưởng cho rằng, “Long An cần ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các phương thức thông qua nền tảng số trên môi trường thương mại điện tử, duy trì thị phần xuất khẩu ở thị trường lớn và đẩy mạnh thị trường ngách”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng.

Trong một trả lời phỏng vấn với báo giới tại “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Long An 2023” vừa diễn ra mới đây tại Long An, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, Long An là một trong những tỉnh rất nỗ lực trong việc ổn định sản xuất, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông thủy hải sản, thực phẩm, dệt may… giúp đỡ bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực trong thời gian qua như tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các kênh trực tuyến, tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông thủy hải sản… trực tiếp và trực tuyến.

Thứ trưởng cũng cho rằng, song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, EU, ASEAN, Long An cũng cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như châu Phi, Nam Á trong đó đặc biệt chú ý thị trường châu Phi với gần 1,5 tỷ dân, nhập khẩu hơn 800 tỷ USD/năm, có vai trò vừa là thị trường nhập khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như nông sản (gạo, cà-phê, hạt tiêu), dệt may, da giày, thực phẩm, v.v…vừa là thị trường cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; Đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; Tổ chức kết nối giúp các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN lớn toàn cầu, tham gia sâu vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Nói về điều này, trong bài phát biểu khai mạc của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Ông Nguyễn Văn Út có đề cập đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Long An thời gian qua tuy đã có sự phát triển nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu 09 tháng năm 2023 của tỉnh giảm 2,16% so cùng kỳ (5,4 tỷ USD, cả nước giảm 8,2%), nhập khẩu giảm 28% (2,9 tỷ USD, cả nước giảm 13,8%).

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng khó khăn chung của tình hình trong nước và thế giới, xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraina, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát tăng mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia… làm cho thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng ít, chi phí sản xuất trong nước vẫn ở mức cao làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn.

Long An nằm ở vị trí cửa ngõ kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên khoảng 4.494 km2 và có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 13 cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 90,2 triệu đồng/người. 9 tháng đầu năm 2023 thu hút được 141 dự án, trong đó trong nước 59 dự án với số vốn 42.495 tỷ đồng; ngoài nước (FDI) 82 dự án với số vốn 543,5 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 1.200 dự án, với số vốn trên 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng top 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. Long An là tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Long An sẽ phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2023 và phát triển xuất khẩu bền vững trong những năm tiếp theo” – Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út kỳ vọng,

Lễ ký kết giữa Sở Công Thương Long An với 3 đơn vị là Công ty TNHH dịch vụ EB – đại diện Central Retail, công ty Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) và công ty OSB – đại diện Alibaba.

Là một trong 3 đơn vị ký kết ghi nhớ với Sở Công thương tại hội nghị về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, ông Trần Đình Toản – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP & Đầu tư công nghệ OSB, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam cho biết, Long An có thế mạnh đặc biệt về các mặt hàng nông sản, đang là một thế mạnh trên sàn. Trong thời gian dịch, một số ngành hàng xuất khẩu ảnh hưởng nhưng hàng nông sản vẫn giữ được thế mạnh là điểm sáng. Sản phẩm của Long An được Alibaba đánh giá là rất tiềm năng, đây là một thế mạnh của Việt Nam.

Ông cũng nói thêm, sàn Alibaba.com hỗ trợ các doanh nghiệp dựa trên cách thức là triển khai chương trình cụ thể, lựa chọn một số các đơn vị tiêu biểu ở Long An để hỗ trợ các DN có nền tảng vững mạnh, toàn diện bao gồm công tác đào tạo, tư vấn lên chiến thuật, nâng cao nhận thức DN trên sàn thương mại điện tử, giúp kết nối các DN trên sàn Alibaba, tận dụng được các kênh trên sàn hiệu quả để tối ưu các hoạt động, giúp các DN tiếp cận với thị trường nước ngoài.

Ông Toản cũng lưu ý các DN khi xuất khẩu cần phải nắm bắt được xu thế ví dụ như xu thế xanh là xu thế sản phẩm an toàn, chủ đạo trên thế giới, các DN phải có cách thức để nắm bắt kịp thời xu thế. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch từ các sản phẩm xuất khẩu thô sang chế biến doanh nghiệp cũng phải nắm bắt được, đồng thời có mức giá thành cạnh tranh phù hợp sản xuất được thứ mà thị trường cần.

Ông Dương Long Thành – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Long An, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group

Theo Ông Dương Long Thành – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Long An, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group cũng đánh giá trong bối cảnh kinh tế thị trường trong nước đang tiêu thụ chậm hiện nay, các DN Long An đang kỳ vọng và tìm hướng mới cho thị trường xuất khẩu và có những bước xúc tiến với các tập đoàn lớn, tìm kiếm sản phẩm và thị trường mới, có các kênh để các DN trước đây chỉ làm trong nước thì bây giờ hướng tới thị trường tiêu thụ nước ngoài, tránh bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Việt Nam vẫn có một số lợi thế về các mặt hàng nông nghiệp do điều kiện thổ nhưỡng tốt

“Ngoài ra cũng có một số thị trường mới mà chúng tôi lưu tâm ví dụ như Ấn Độ, có một số DN tại Long An đã mở nhà máy tại Ấn Độ (Á Châu Group), thị trường Ấn Độ có sức tiêu thụ rất lớn, không thua kém các thị trường truyền thống như Châu Âu hoặc Trung Quốc” – Ông Dương Long Thành cho biết thêm – “Khó khăn của các DN chúng ta là chi phí sản xuất cao do số lượng sản xuất không lớn, chi phí vận chuyển logistics xuất hàng đi của chúng ta vẫn còn cao so với các DN như ở Trung Quốc, đó là điều bất lợi đối với DN Việt Nam.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có một số lợi thế về các mặt hàng nông nghiệp do điều kiện thổ nhưỡng tốt, bản thân Thắng Lợi Group chúng tôi năm 2022 xuất hàng sầu riêng đi rất tốt. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa của các DN Việt Nam ngày càng được nâng cao, sản phẩm chất lượng và tính cạnh tranh cao hơn. Một điểm thuận lợi nữa là những năm gần đây vị thế Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam đang lên so với các nước, đó là điểm thuận lợi khi DN chúng ta thâm nhập vào các thị trường nước ngoài”.

Các đại biểu khách mời chụp hình lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ công thương Phan Thị Thắng.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết giữa Sở Công Thương Long An với 3 đơn vị là Công ty TNHH dịch vụ EB – đại diện Central Retail, công ty Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) và công ty OSB – đại diện Alibaba về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội du lịch Long An và Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) ký kết ghi nhớ về nghiên cứu hợp tác phát triển du lịch.

Quang cảnh hội nghị.

Được biết, Long An hiện có khoảng 900 DN xuất nhập khẩu, trong đó có 320 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu thị trường xuất khẩu Long An hiện nay chiếm tỷ lệ cao là Hàn Quốc (chiếm 19,87%); Đài Loan (chiếm 17,02%); Campuchia (chiếm 9,89%); Hồng Kông (8,64%); Mỹ (chiếm 7,99%); Nhật (chiếm 5,64%); Trung Quốc (chiếm 5,17%); Singapore (chiếm 3,55); Malaysia (chiếm 1,5%)… Riêng mặt hàng gạo thị trường Trung Quốc chiếm hơn 39,05% tổng sản lượng gạo và chủ yếu là nếp.

Uyển Nhi