Sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Kết quả sơ bộ cho thấy, đó lợi nhuận OCB giảm 875 tỷ đồng, tương đương gần 21% so với kết quả tự báo cáo.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 sau kiếm toán. Theo đó, lợi nhuận ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3.303 tỷ đồng, so với báo cáo ngân hàng tự lập, lợi nhuận ngân hàng này đã giảm tới 875 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20,9%.
Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, OCB cho biết, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng. Đồng thời, ngân hàng cũng phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục “tài sản gán nợ đang chờ xử lý” thuộc mục “tài sản có khác” sang khoản mục “các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản xiết nợ, gán nợ”. Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,4% (lên hơn 1.627 tỷ đồng).
Trong đó, chủ yếu giảm phần thu nhập lãi thuần với 525 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được trích lập cao vọt lên, từ 1.126 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 45%.
Lãnh đạo OCB cho rằng ngân hàng đã điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu tiền từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán đủ trong quý 1/2024.
Sau kiểm toán, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng ghi nhận 8.935 tỷ đồng, giảm 587 tỷ đồng so với báo cáo quý 4/2023, tương đương mức giảm 6%. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 525 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 61 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu sau kiểm toán giảm nhẹ từ 2,7% xuống còn 2,6%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được cải thiện, từ 50% lên hơn 64%. Nợ có khả năng mất vốn tính đến hết năm 2023 tại OCB tăng 23% so với cùng kỳ lên hơn 1.680 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản nợ chờ xử lý đã có tài sản xiết nợ, gán nợ và tồn đọng tăng gấp 331 lần so với cùng kỳ. So với đầu năm 2023 số nợ này chỉ hơn 9 tỷ, nhưng tính tới cuối năm số nợ này đã tăng lên 2.979 tỷ đồng, quá thần tốc so với ngân hàng tầm trung như OCB.
Tính đến hết năm 2023, số thuế OCB phải nộp cho ngân sách nhà nước là 397 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 318 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 68 tỷ đồng và các loại thuế khác.
Tài sản có giấy tờ thế chấp, cầm cố và chiết khấu tái chiết khấu tại OCB là 304.700 tỷ đồng, tăng hơn 33.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, giấy tờ thế chấp bất động sản lên tới 179.737 tỷ đồng, chiếm 59% trong tổng số giấy tờ thế chấp, tăng không đáng kể so với đàu năm nhưng là con số đáng lưu ý đối với nhà đầu tư.
Nợ khó đòi đã xử lý tại OCB cũng có chiều hướng tăng lên vào cuối năm 2023 khi nợ gốc của khoản nợ đa xử lý rủi ro lên tới 4.940 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Mới đây, OCB đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Theo đó, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023.
Tổng huy động vốn thị trường 1 (giao dịch giữa ngân hàng, người dân, và doanh nghiệp) dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Năm 2024, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng thông qua 3 phương án.
Nếu thành công cả 3 phương án trên, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn, nhà băng này sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Nguyễn Hoa