Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị phía Nhật Bản có giải pháp hỗ trợ lao động Việt Nam như hỗ trợ tiền nhà, tiền ăn, tăng lương tối thiểu cho thực tập sinh kỹ năng trong bối cảnh đồng yen yếu.
Việt Nam là quốc gia có số thực tập sinh kỹ thuật đông nhất tại Nhật Bản. Theo thống kê của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản (ISA), vào cuối năm 2021, có 276.123 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc tại nước này, trong đó có 160.563 thực tập sinh Việt Nam, chiếm 58%.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại Nhật Bản có thể sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các thực tập sinh Việt Nam nếu sự rớt giá của đồng yen vẫn kéo dài.
Vì vậy, các cơ quan chức năng của hai nước cùng với các công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn của Nhật Bản cần sớm có giải pháp để giảm bớt khó khăn cho các thực tập sinh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Uchida Hideaki, Trợ lý Giám đốc Chi nhánh Tokyo của Tổ chức Phát triển Nhân lực Quốc tế Nhật Bản (IM Japan), cảnh báo: “Việc đồng yen mất giá có thể tác động tiêu cực tới việc tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản có thể sẽ giảm.”
Cùng chung quan điểm đó, ông Hiroaki Yagi, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc gia Nhật Bản (JITCO), nói việc đồng yen mất giá và lạm phát gia tăng đang khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các lao động nước ngoài, từ đó gây khó khăn hơn cho khâu tuyển chọn thực tập sinh sang làm việc ở nước này.
Để giải quyết vấn đề đó, ông Yagi cho biết Hội đồng Tiền lương Tối thiểu Trung ương của Nhật Bản đã đề xuất tăng lương tối thiểu trong tài khóa 2022 ở mức cao kỷ lục.
Mức lương tối thiểu trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) được tăng thêm 31 yen lên 961 yen/giờ (tương đương hơn 7,2 USD), tăng 3,3% so với tài khóa 2021.
Mức lương tối thiểu mới này được áp dụng cho tất cả người lao động, bao gồm cả nhân viên hợp đồng và những người làm việc bán thời gian, từ đầu tháng 10/2022.
Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tăng lương ở Nhật Bản vẫn thấp hơn so với lạm phát. Vì vậy, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang đặt mục tiêu tăng lương tối thiểu trên toàn quốc lên 1.000 yen/giờ càng sớm, càng tốt.
Cùng với việc nâng lương tối thiểu, ông Yagi tiết lộ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã lên kế hoạch hợp tác với phía Việt Nam để nghiên cứu xây dựng một hệ thống tuyển dụng mới nhằm loại bỏ các tổ chức trung gian và giảm chi phí ban đầu cho các thực tập sinh.
Theo kế hoạch này, JICA sẽ thiết lập một trang web để người Việt nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản, với mục đích cắt giảm các khoản phí mà các thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các đơn vị môi giới trước khi sang nước này.
Trang web sẽ cung cấp thông tin cho những người có nhu cầu đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản về các cơ hội tu nghiệp ở nước này, bao gồm cả các thông tin về nơi làm việc, mức lương và các ngày nghỉ trong năm. Sau khi có thông tin, những người có nhu cầu sẽ đăng ký trực tiếp với các công ty phái cử ở Việt Nam mà không cần thông qua các đơn vị môi giới.
Theo các chuyên gia, nếu được triển khai, chắc chắn hệ thống này sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu cho các thực tập sinh trước khi sang Nhật Bản.
Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA), nói: “Tôi đánh giá rất cao về tính năng của các trang web đó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có công tác tuyên truyền để làm sao cho các trang web đó được nhiều lao động ở Việt Nam biết đến.”
Về phía Việt Nam, để giảm bớt tác động của đồng yen mất giá và lạm phát tới các thực tập sinh đang làm việc ở đất nước Mặt Trời mọc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị phía Nhật Bản yêu cầu các tổ chức tiếp nhận có giải pháp hỗ trợ người lao động như hỗ trợ tiền nhà, tiền ăn và một số dịch vụ khác trong phạm vi các nghiệp đoàn có thể chấp nhận được. Thứ hai là nghiên cứu tăng lương tối thiểu cho thực tập sinh kỹ năng cũng như lao động đặc định.”
Thực tập sinh Lương Văn Dưỡng nói: “Trong thời gian này, khi đồng yen mất giá, nếu nhận được sự hỗ trợ từ công ty và từ nghiệp đoàn thì rất tốt. Em muốn nghiệp đoàn tác động với công ty để tăng lương cho thực tập sinh nhằm bù đắp việc tiền yen mất giá.”
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản Katsunobu Kato ở Tokyo hồi tháng 9, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét miễn thuế cư trú và thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng cho một số nước phái cử khác.
Các thực tập sinh Việt Nam hy vọng các cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ sớm xem xét đề xuất này để giúp họ giảm bớt khó khăn hiện nay./.
Theo Vietnam+