01/12/2021 8:02:23

Làn sóng “mua sắm trả thù”: Cơ hội hồi sinh thị trường bán lẻ

Các nhà phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại (TTTM) đang chuẩn bị mọi nguồn lực để “hồi sinh” với làn sóng “mua sắm trả thù” lên cao của người tiêu dùng thời điểm cuối năm.

“Bung lụa” sau tháng ngày bị dồn nén

Những ngày cuối tháng 10, khi TP.HCM cho phép nhiều hoạt động được quay trở lại, trong đó có các TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối…, chị Trương Quỳnh Anh (25 tuổi) rủ bạn bè thân thiết đi mua sắm ở Vincom Center Đồng Khởi cho thoả “cơn khát” nhiều tháng trời.

Mua online cũng tiện thật nhưng vẫn không thích bằng đến tận nơi để trải nghiệm không gian cửa hàng, thử đồ, lựa chọn thêm những kiểu dáng mới lạ hơn, phụ kiện phù hợp với phong cách thời trang của mình”, Quỳnh Anh nói.

Kết quả của đợt giải khát cơn “cuồng” mua sắm, Quỳnh Anh đã quẹt thẻ tín dụng tới 13 triệu đồng.

Trong khi đó, nhóm bạn của Hoàng Sơn – chủ một chuỗi tiệm cắt tóc ở Thái Nguyên chọn một số TTTM ở Hà Nội làm điểm đến. Ngày mua sắm của nhóm bạn trẻ này kết thúc với tổng hoá đơn gần 100 triệu đồng, trong đó phần lớn dành cho bộ sưu tập túi và phụ kiện Furla, Tommy Hilfiger, Zara, MLB… ở Vincom Center Bà Triệu.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT IPPG – đơn vị sở hữu 3 tên tuổi trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hiệu trung và cao cấp là DAFC, ACFC và CMFC chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh đang rất chập chờn, nhưng lại là yếu tố kích thích nhu cầu mua sắm của giới nhà giàu yêu thích hàng hiệu”.

Theo ông, đặc điểm của phân khúc khách hàng trung và cao cấp là không thích mua qua mạng vì món đồ có giá trị cao. Vậy nên sau thời gian dài giãn cách, rất nhiều khách hàng đến trung tâm mua sắm ngay khi hàng trăm mẫu mã mới về tới Việt Nam. Doanh số của DAFC đã tăng tới gấp 3 lần so với trước dịch, đạt 150 tỷ đồng.

Chúng tôi đã có 2 tuần lễ bội thu trong lĩnh vực thời trang cao cấp. Song ngay cả những lĩnh vực như F&B, chuỗi cửa hàng fast foods như Domino’s Pizza, Burger King, Popeyes… tăng rất mạnh về doanh số, đạt tới hơn 50% so với trước dịch khi họ đặt mua mang về”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Bà Claudia D’Arpizio, chuyên gia của Bain & Co về lĩnh vực hàng xa xỉ cũng cho biết, người dân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tích cực trở lại các cửa hàng để “mua sắm trả thù”. Đặc biệt, nhằm bù đắp cho tình trạng thua lỗ trong những ngày đóng cửa, nhiều nhãn hàng như Chanel và LV đã đồng loạt tăng giá từ 4-5%, thậm chí có mặt hàng tăng trên 20%. Điều này vô tình lại càng thôi thúc các “thượng đế” nhanh tay đi mua sắm trước khi các món đồ yêu thích của mình trở nên đắt đỏ hơn.

Theo Bain & Co, đây là cơ hội không thể tốt hơn cho giới kinh doanh đồ cao cấp, các trung tâm cho thuê mặt bằng.

Tại thị trường Việt Nam, đại diện phụ trách ngành tiêu dùng Deloitte Đông Nam Á nhận định, nhờ những nỗ lực chống dịch khá thành công, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn tương đối tích cực. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi để các tên tuổi bán lẻ, ngành tiêu dùng có cơ hội hồi phục trong thời gian tới.

Chiến lược “hồi sinh” của thị trường bán lẻ

Nếu như 2020 là giai đoạn các thương hiệu bán lẻ “làm quen” với ảnh hưởng của đại dịch, thì năm 2021 đã khiến họ phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc về các chiến lược để “hồi sinh”, thậm chí là bật dậy mạnh mẽ hơn.

Để đáp ứng được nhu cầu của khách quốc tế với làn sóng “mua sắm trả thù” cũng như tương lai của thị trường du lịch, chi tiêu mua sắm của Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, phải có thêm mặt bằng đủ lớn hình thành cho các TTTM – mua sắm cao cấp hơn. IPPG đang rất thiếu nguồn mặt bằng cho các thương hiệu. Minh chứng tại Rex Arcade chỉ có chỗ thuê cho 8 thương hiệu cao cấp, trong khi có tới 20 thương hiệu trong top thế giới muốn hiện diện ở đó. Tràng Tiền Plaza cũng trở thành chiếc áo quá chật đối với các thương hiệu xa xỉ trên thế giới.

Trong thời gian tới, nhiều nhãn hàng thời trang sẽ tiếp tục ra mắt, thị trường bán lẻ sôi động hơn. Đáng chú ý, các nhà bán lẻ không chỉ tung ra các chương trình kích cầu mua sắm, thu hút khách hàng mà còn liên tục đầu tư vốn, gia tăng thị phần. Trong số 66 dự án được cấp mới tại Hà Nội đầu năm 2021, có 5 dự án trung tâm mua sắm và siêu thị, đóng góp 13,48 triệu USD. Cả 5 dự án đều được phát triển bởi những tên tuổi đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc…

Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đang tiếp tục thu hút các thương hiệu bán lẻ nước ngoài nổi tiếng. Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) mới đây đã công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 5 năm tới tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư khoảng 35 tỷ bath (tương đương 1,1 tỷ USD). Trong khi đó, Aeon Mall Việt Nam cũng không chần chừ khi ký biên bản ghi nhớ tại Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Bắc Ninh và Đồng Nai để mở rộng hệ thống TTTM. Nhà bán lẻ này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 TTTM tại Việt Nam.

Những tuyên bố đầu tư mạnh mẽ của các tên tuổi ngoại khiến nhiều người cho rằng các nhà bán lẻ trong nước khó có cạnh tranh. Nhưng họ cũng có những nước cờ của riêng mình.

Điển hình là Vincom Retail. Đây là đại diện duy nhất trên thị trường có thể “chiến đấu” ngang ngửa với đối thủ ngoại. Thậm chí Vincom Retail có thể vượt mặt về thị phần, số lượng các TTTM và quỹ đất lớn.

Tính tới ngày 30/9, Vincom Retail đang vận hành 80 TTTM với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt 1,7 triệu m2 tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Dự kiến năm 2022, Vincom Retail sẽ tiếp tục mở cửa Vincom Mega Mall trong đại đô thị Vinhomes Smart City thuộc khu vực phía Tây Hà Nội.

Trong vòng 5 năm tới, Vincom Retail sẽ tập trung vào mô hình TTTM Vincom Mega Mall có quy mô lớn nằm trong các đại đô thị của Vinhomes. Đây là nước cờ chiến lược của Vincom Retail khi khách hàng hiện có xu hướng gia tăng trải nghiệm tại các TTTM thay vì chỉ tận hưởng các chương trình giảm giá như trước đây.

Nhiều chuyên gia nhận định ngoài sự phục hồi nghiễm nhiên hậu đại dịch, tâm lý “mua sắm trả thù” chỉ là nhất thời nhưng chú trọng “trải nghiệm thực” và nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ là động lực cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.

Do đó, nhiều thương hiệu sẽ có thể bật dậy nhanh chóng nếu biết nắm bắt xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp càng được kỳ vọng hơn nhờ sở hữu lợi thế về vị trí, nhất là ở các TTTM luôn thu hút và duy trì lượng lớn khách hàng mỗi ngày nhờ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu trong một điểm đến, vừa đảm bảo an toàn – xu hướng mua sắm hậu dịch của người tiêu dùng hiện nay.

Hầu hết hệ thống TTTM đều có ưu thế hơn các khu phố mua sắm truyền thống nhờ biện pháp 5K phòng dịch áp dụng cho cả nhân viên và khách hàng. Điển hình như Vincom thử nghiệm hệ thống Camera AI thông minh hỗ trợ nhận diện và cảnh báo khách hàng không đeo khẩu trang, đồng thời cập nhật theo thời gian thực khi lượng khách đạt số tối đa được phép để đảm bảo mật độ an toàn.