Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2019, kỳ thi tốt nghiệp cho 80 sinh viên của các lớp đào tạo phối hợp thí điểm cho nghề Cắt gọt kim loại – CNC, Cơ khí xây dựng, Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp đã diễn ra tốt đẹp.
Kỳ thi tốt nghiệp này được tổ chức bởi các ban hỗ trợ kỳ thi của mỗi nghề bao gồm giảng viên LILAMA 2 và cán bộ từ các doanh nghiệp đối tác ISHISEI, Thuận Hải, Sáng Tạo và Martech Boiler.
Do đó, vào ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2), ông Thomas Malcherek, Giám đốc điều hành của Phòng Thủ công nghiệp Erfurt, cơ quan có thẩm quyền của Đức về đào tạo nghề và đánh giá, đã trao thư chính thức “Công nhận tương đương” việc thực hiện kỳ thi tốt nghiệp theo định hướng tiêu chuẩn Đức thuộc mô hình chương trình đào tạo phối hợp.
Các giám khảo đủ tiêu chuẩn của LILAMA 2 và các công ty đối tác đã phát triển các bài kiểm tra viết và thực hành chung, tổ chức và thực hiện các kỳ thi và đánh giá kết quả làm việc của các sinh viên theo tiêu chuẩn Đức với giám sát và tư vấn của chuyên gia HWK Erfurt. Nỗ lực của các hoạt động này cũng được ghi nhận bởi các chứng nhận của HWK Erfurt cho tất cả các thành viên ủy ban kiểm tra.
Bà Lê Thị Thu Uyên, Phó Giám đốc Martech Boiler nhấn mạnh: “Sự thành công trong việc tổ chức mô hình đào tạo phối hợp với khối doanh nghiệp theo tiêu chuẩn Đức khẳng định LILAMA 2 đủ điều kiện trở thành một trung tâm xuất sắc về đào tạo và đánh giá giáo dục nghề nghiệp tương đương với hệ thống dạy nghề của Đức. Thay mặt các doanh nghiệp đối tác, tôi mong muốn LILAMA 2 sẽ ngày càng phát triển và là đơn vị giáo dục nghề nghiệp tiên phong không chỉ tại Việt Nam mà còn cho toàn khu vực”
Hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lĩnh vực hoạt động “Hỗ trợ Trung tâm Xuất sắc về Đào tạo nghề”, là một hợp phần của Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam”. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).
GIZ