“Tất cả những vướng mắc, khó khăn tại thời điểm trước khi diễn ra kỳ thi sẽ được tháo gỡ để đảm bảo an toàn nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi, cũng như ban giám khảo phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng”, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng BTC Kỳ thi.
Chiều 1/ 12, tại Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần 2 về công tác chuẩn bị kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp, với sự chủ trì của của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng BTC Kỳ thi.
Hội nghị còn có sự góp mặt của TS Nguyễn Chí Trường – Phó trưởng BTC, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề; Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội – đại diện đầu cầu BTC, cùng các thành viên dự Hội nghị trực tuyến gồm: ông Lê Hồng Kỳ – Phó Hiệu trưởng, đại diện đầu cầu Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và các thành viên ban giám khảo đối với 5 nghề thi trực tuyến đợt 1; đại diện bộ phận phụ trách an ninh của kỳ thi.
Sau nhiều lần trì hoãn bởi tác động của dịch Covid-19, với sự quyết tâm cao của BTC cũng như các Hội đồng thi, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm rà soát các công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tổ chức từ ngày 3-12/12 tới đây.
Tại Hội nghị, BTC kỳ thi đã nghe các thành viên của Hội đồng thi số 1, đại diện của 5 nghề thi trực tuyến (Ngành Công nghệ Web; Nghề Công nghệ 4.0; Nghề Quản trị hệ thống mạng thông tin; Nghề Thiết kế Đồ họa; Nghề Phát triển ứng dụng di động) báo cáo tình hình thực hiện các công tác, nhiệm vụ trọng tâm để chuẩn bị bước vào kỳ thi chính thức, cụ thể: rà soát số lượng thí sinh tham dự của từng nghề thi; điều chỉnh thay đổi 30% nội dung đề thi ở các mô-đun của từng nghề; vấn đề kết nối công nghệ chung giữa các địa điểm thi với các điểm cầu của BTC là Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; vấn đề kết nối cho các thí sinh của từng nghề thi trực tuyến tại các địa điểm thi; việc kiểm soát đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 chặt chẽ theo quy định…
Qua báo cáo của đại diện điểm cầu tại Hà Nội là Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, điểm cầu Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Nhìn chung, tại 2 điểm cầu này đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, an toàn trật tự an ninh, kết nối công nghệ thông tin cùng với các địa điểm thi tại Hội đồng thi số 1, cũng như đội ngũ nhân lực có kỹ thuật công nghệ thông tin để có các giải pháp, ứng phó, xử lý tình huống khi gặp sự cố trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi.
Các thành viên đại diện phụ trách 5 nghề thi trực tuyến đợt 1 cũng đã báo cáo khá cụ thể về số lượng thí sinh tham dự, cũng như một số vướng mắc trong việc kết nối với các thí sinh nên chưa chốt được số lượng thí sinh chính thức tham dự kỳ thi này.
Nguyên nhân không kết nối được do một số địa phương “vùng đỏ” dịch Covid-19, thực hiện giãn cách nên không tham dự được; ban đầu một số điểm trường tổ chức chưa kết nối được với các điểm cầu, nhưng cho đến thời điểm này cũng đã được khắc phục.
Vấn đề thay đổi 30% đề thi ở 5 nghề này cũng đã có sự thay đổi ở mốt số mô-đun; việc phân công chỉ đạo các tiểu ban coi thi, chấm thi cho từng môn, khung thời gian theo từng ngày đã có kế hoạch chi tiết.
Để đảm bảo sự tập trung tốt nhất cho thí sinh dự thi, một số thành viên đại diện ở 5 nghề thi trực tuyến đợt 1 đề xuất, trong quá trình thí sinh làm bài thi, cán bộ coi thi không được vào phòng thi. Chỉ trong trường hợp thí sinh gặp sự cố, cần hỗ trợ thì ban giám khảo sẽ xem xét và cán bộ coi thi mới được vào phòng và phải có cán bộ an ninh giám sát đi cùng.
Nhất trí với đề xuất này, nhưng đưa ra giải pháp linh hoạt hơn, đại diện tiểu ban giám sát, an ninh cũng như đại diện BTC cho rằng: Không nhất thiết phải bố trí mỗi địa điểm ở mỗi nghề thi có một cán bộ an ninh giám sát, vì điều này khó có thể bố trí được cán bộ an ninh đủ tại các điểm thi. Hơn nữa, bởi kỳ thi trực tuyến đã tận dụng tối đa những lợi thế của công nghệ để bao quát lại toàn bộ hoạt động của kỳ thi và đảm bảo kỳ thi được công bằng.
Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng CĐN Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Công tác chuẩn bị làm điểm cầu cho BTC của kỳ thi tại Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã sẵn sàng, đảm bảo yêu cầu kết nối toàn diện và ổn định với điểm cầu Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, giám sát của BTC và đặc biệt là bộ phận an ninh C03, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt diễn ra kỳ thi; đảm bảo an toàn, quy định về quy mô số lượng người tham gia trực tiếp và kết nối đường truyền ổn định trong cả lễ, bế mạc kỳ thi”.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương- Trưởng BTC đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị nhà trường đăng cai tổ chức trong công tác kết nối chuẩn bị cho kỳ thi. Bà Hương nhấn mạnh: “Công tác chuẩn bị trong bối cảnh dịch Covid- 19 với nhiều khó khăn, thử thách và vất vả, các điểm cầu, cũng như các địa điểm thi không chỉ đầu tư về vật lực, trang thiết bị cho công tác thi kỹ năng nghề trực tuyến, đó còn là sự tâm huyết, trách nhiệm và ý thức đồng phối hợp của các điểm tham gia để có được hệ thống kết nối hoàn thiện cho kỳ thi.
Cho dù có những điều chúng ta chưa đạt được mong muốn, nhưng với sự chủ động, thích ứng linh hoạt từ kỳ thi kỹ năng nghề trực tuyến – một kỳ thi đầu tiên chưa từng có tiền lệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid- 19- đây là sự cố gắng rất lớn của các đơn vị tổ chức. Hy vọng, tất cả những vướng mắc, khó khăn tại thời điểm trước khi diễn ra kỳ thi sẽ được tháo gỡ để đảm bảo an toàn nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi, cũng như ban giám khảo phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng.
Với một kỳ thi trực tuyến, yếu tố quan trọng nhất là kỹ thuật công nghệ, các điều kiện về đường truyền, kết nối, camera tại các điểm thi đến với điểm cầu phải được thông suốt, để tạo được thông điệp chung của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 là đảm bảo AN TOÀN và KẾT NỐI, không để các thí sinh bị bỏ lại phía sau tại kỳ thi này”.
Kết luận Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương và TS Nguyễn Chí Trường đều thống nhất chốt các phương án về Lễ khai mạc, Bế mạc với các nội dung, kịch bản chi tiết, triển khai theo phương thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với tất cả các điểm cầu và trình lãnh đạo Tổng cục GDNN để có quyết định ngay trong ngày 2/12.
Đại diện phụ trách 5 nghề thi trực tuyến cần phải có thống kê cụ thể, chốt số lượng thí sinh ở từng nghề thông báo ngay trước 16 giờ ngày 1/12; rà soát lại hệ thống trang thiết bị công nghệ, đường truyền kết nối các điểm cầu để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp diễn ra; khắc phục nhanh chóng đối với các thí sinh dự thi mà chưa kết nối được hệ thống đến các điểm cầu.
Các địa điểm thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh dự thi về phòng chống dịch Covid-19. Phần điều chỉnh đề thi 5 nghề đợt 1, các Tiểu ban sẽ trình Hội đồng thi và sau khi được phê duyệt, các đơn vị đầu mối các nghề cần ban hành nhanh để triển khai công tác thi kỹ năng nghề.
Nhìn chung, tất cả các công tác này được BTC đưa ra đều phải đảm bảo quy định, quy chế chung của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021.
Thu Thủy