Lần đầu tiên góp mặt tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, nhưng với 8 mô-đun thi ở 4 lĩnh vực, nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội đã gây được ấn tượng mạnh và thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các chuyên gia mà cả đông đảo HSSV và các bậc phụ huynh.
Nhiều người còn chưa hiểu định nghĩa nghề Công tác xã hội là gì
Điểm thi Nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội diễn ra tại Hội đồng thi số 5 trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Là môn thi với số lượng “khủng nhất” gồm 8 modul ở 4 lĩnh vực lớn, nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội gây sự tò mò với nhiều người. Đây là năm đầu tiên có môn thi này với không ít những thắc mắc đặt ra, khi nhiều người còn chưa định nghĩa được rõ ràng nghề Công tác xã hội là gì, nó phát triển ra sao ở Việt Nam cũng như trong khu vực và thế giới?
Theo chuyên gia Vũ Đình Tiến – Trưởng khoa Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, đây là nghề mới và lần đầu tiên tham gia cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia này. Trước khi nhận nhiệm vụ từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Tiểu ban giám khảo cũng có những bỡ ngỡ và suy nghĩ nhiều đến khâu tổ chức, cũng như công tác đào tạo và ôn thi cho các thí sinh.
May mắn, Ban tổ chức đã có sự hỗ trợ kịp thời khi gửi đến các bộ đề thi mẫu của ASEAN và thế giới, để từ đó xây dựng nội dung thi vừa đạt tiêu chí chuẩn của các cuộc thi khu vực và thế giới nhưng vẫn phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam. Theo đó nghề Công tác xã hội có 8 modul chia làm 4 lĩnh vực, gồm:
Chăm sóc tại bệnh viện: Bệnh nhân nằm tại viện và thí sinh đóng vai trò 1 người điều dưỡng tham gia công tác chăm sóc trong ½ ngày.
Chăm sóc ban ngày: Đây là lĩnh vực mới mà 1 số bệnh viện như Bạch Mai và bệnh viện K đang áp dụng. Thực tế nhiều bệnh nhân không cần thiết phải nằm tại bệnh viện điều trị, mà họ chỉ đến viện vào buổi sáng và được chăm sóc bởi các nhân viên y tế. Sau đó, buổi chiều họ quay trở về nhà, được chăm sóc bởi gia đình và ngày hôm sau lại đến chăm sóc tiếp.
Tại viện dưỡng lão: Dành cho những người già và là nhu cầu thiết yếu của những người già. Các viện dưỡng lão ngày 1 tăng lên và người điều dưỡng giống như một người chăm sóc, một người “keyword” để nắm bắt và chăm sóc mọi vấn đề. Ví dụ, những bệnh nhân bị ung thư phổi phải trợ giúp khi bệnh nhân có vấn đề như đau khớp, đau toàn thân hay là bệnh nhân bị loét do ít di chuyển, người điều dưỡng khi đó đóng vai trò là một người thân để chăm sóc cho người bệnh.
Chăm sóc tại nhà: Là mô hình rất mới, áp dụng với những bệnh nhân không tự đi lại được nhưng có nhu cầu được chăm sóc tại nhà và được các cơ quan y tế đăng ký cử nhân viên y tế đến tận nhà chăm sóc. Đây là 1 lĩnh vực rất mới ở Việt Nam nhưng trong tương lai nhu cầu chăm sóc tại nhà rất lớn, nó giống như là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Việc chăm sóc tại nhà hạn chế đi lại của người bệnh, cũng như giảm bớt người thân phải đưa người bệnh đến bệnh viện và tham gia vào chăm sóc.
Xã hội phát triển, nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội ngày càng được coi trọng
Đó là 4 lĩnh vực của nghề Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội tại Cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia 2020. Điều này tác động đến những người trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo cho sinh viên phải có sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của thế giới. Nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội là nghề kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ của người làm công tác điều dưỡng, chăm sóc cho người bệnh.
Theo chuyên gia Vũ Đình Tiến: “Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2020 đã thành công khi bắt kịp xu thế hội nhập, đưa nội dung nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội vào thi. Các kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế hiện cũng đã đưa nội dung của nghề này vào thi chính thức, thay vì chỉ thi trình diễn như trước đây. Điều đó cho thấy, nghề chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày càng cần thiết, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế , là nhu cầu cấp thiết của xã hội”.
“Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…, và được đào tạo tại Thái Lan nên nhận thức rõ nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội rất phát triển ở các nước châu Á, đặc biệt là đối với các nước dân số già nên chúng ta ngày càng phải coi trọng”, chuyên gia Vũ Đình Tiến nhấn mạnh.
Trao đổi với ThS Dương Thị Minh Thu – Trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi TW, cũng là một trong những đơn vị đầu tiên thành lập phòng Công tác xã hội trong hệ thống các bệnh viện đã 13 năm qua, bà nhấn mạnh: “Bất cứ nghề nào làm cũng cần có TÂM, đặc biệt là nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội. Nghề này đòi hỏi kiến thức được đào tạo chuyên sâu, bài bản nhưng là chưa đủ khi đi làm, mà đòi hỏi sự tự học hỏi, vừa tư duy, vừa uyển chuyển để xử lý các tình huống xảy ra. Nghề này có nét đặc thù, đó là phải tự xoay chuyển các tình huống sao cho phù hợp và không phải ai cũng giống ai, vì đứng trước các vấn đề, mỗi người lại lựa chọn xử lý một hướng khác nhau”.
Theo ThS Dương Thị Minh Thu, môi trường làm việc của người làm nghề Chăm sóc sức khỏe và Công tác xã hội có thể gặp người có văn hóa hoặc người hạn chế về tri thức. Vậy làm thế nào để vẫn đảm bảo đúng yêu cầu, quy định bệnh viện, của các cơ sở y tế mà vẫn làm hài lòng người được chăm sóc là cả một quá trình rèn luyện, hoàn thiện bản thân mà mỗi người làm nghề sẽ tự rút ra trong quá trình đi làm.
Hồng Phúc – Thế Toàn