18/04/2021 10:51:46

“Kinh doanh vỉa hè”: Thiết lập chứ không diệt bỏ

Thực trạng tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, gây mất trật tự mỹ quan đô thị tại nhiều tuyến đường, khu vực trọng điểm ở trung tâm thành phố Hà Nội hiện vẫn diễn ra như một “căn bệnh mãn tính”, đòi hỏi cần phải có giải pháp, kế hoạch thiết thực, hiệu quả hơn để kinh doanh vỉa hè trở thành một nét đẹp văn hoá của người Việt.

Vỉa hè tiếp tục bị “nuốt trọn”

Sau nhiều chiến dịch ra quân dọn dẹp đường phố, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội vỉa hè đã được kẻ vạch sơn, sắp xếp xe máy gọn gàng. Cảnh lộn xộn, mất vệ sinh do hàng quán sử dụng hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh, ăn uống cũng giảm đáng kể… Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, đến thời điểm hiện tại vỉa hè, lòng đường của nhiều tuyến phố đang bị  “tái chiếm” một cách không thương tiếc, thậm chí tình trạng lấn chiếm còn phức tạp hơn trước. 

Phớt lờ các quy định, các hộ kinh doanh đoạn Cầu Cót bắc qua sông Tô Lịch vẫn thản nhiên bày hàng quán, bàn ghế bán hàng

Dọc tuyến đường Đê La Thành bị nhiều hộ lấn chiếm, không còn một lối nhỏ cho người đi bộ

Bán hàng hoa quả, trà đá, cà phê, cắt tóc …, là những hoạt động không khó để bắt gặp trên vỉa hè dọc các tuyến phố Đê La Thành, Nguyễn Khang, Tô Hiệu,… Những tấm bạt, biển quảng cáo từng bị tháo dỡ lại mọc lên như nấm. Các quán cóc, hàng rong vẫn bất chấp tái chiếm vỉa hè Hà Nội dù có mặt của chính quyền hay không. Thậm chí, dọc tuyến vỉa hè chật hẹp trên đường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn có những hộ dân cho cả bàn ghế ra sát mép đường để khách ngồi nhậu, uống cà phê, trà đá…, xe máy xếp hàng dài trên vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường. Tình trạng này kéo dài khiến cho giao thông trở nên lộn xộn, mất an toàn cho người đi bộ. Đây là điều dễ dàng đoán được bởi thực trạng lấn chiếm vỉa hè đã có từ rất lâu và trở thành nếp xấu của nhiều người nếu không muốn nói là dấu hiệu của việc “nhờn luật”.

Tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh liên tục xảy ra trên phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội)
Trên tuyến đường láng (gần ngã tư giao với Cầu Giấy) hàng quán chiếm hết vỉa hè, dựng xe xuống cả lòng đường buộc người đi bộ phải dạt xuống lòng đường, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông

Bà Nguyễn Thị Minh (Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thi thoảng, tôi vẫn thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử phạt nhưng không không ăn thua, hàng quán vẫn tiếp tục lấn chiếm nên giờ chẳng còn vỉa hè cho chúng tôi nữa”. 

Việc lấn chiếm không chỉ diễn ra ở các tuyến đường lớn, mặt tiền “đẹp” mà ngay cả khu vực phố đi bộ dọc đường Láng, con đường được xây dựng dành riêng cho người đi bộ và xe đạp. Dù đã được dựng rào chắn phân cách kỹ càng nhưng tuyến đường này vẫn bị các hàng quán chiếm dụng triệt để làm chỗ cho khách ngồi uống nước.

Các hàng quán ngang nhiên lấn chiếm tuyến đường dành cho đi bộ và xe đạp dọc đường Láng làm nơi buôn bán kinh doanh

Chị Hoàng Thị Thắm (Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chị bán hàng vỉa hè được 4-5 năm nay. Nguồn sinh sống chủ yếu dựa vào hàng quán này nên mặc dù biết kiểu kinh doanh này là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố nhưng “cực chẳng đã” vì hoàn cảnh nên cũng đành chấp nhận. Ở đây vừa bán vừa phải trông chừng, khi có lực lượng chức năng đi “dẹp” thì sẽ thu bàn ghế chạy, họ đi rồi lại bày ra bán”.

Người tham gia giao thông trên phố Nguyễn Khang dừng ngay dưới lòng đường để mua bán

Lợi nhuận từ việc kinh doanh vỉa hè là rất lớn nên để có nhiều chỗ cho khách, các chủ hàng quán vẫn bất chấp việc xử phạt, sẵn sàng vi phạm khi lực lượng chức năng rút đi khiến chuyện dẹp trật tự đô thị giống như “đá ném ao bèo” lực lượng chức năng khuất bóng, vi phạm lập tức tái diễn.

Tìm kiếm giải pháp chứ không diệt bỏ

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng người tham gia hoạt động kinh doanh trên các con đường hè phố tại Hà nội, cũng như dòng tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh này một cách chính xác. Song nếu nhìn vào việc mua bán nhộn nhịp của các “tổng công ty vỉa hè” đang diễn ra hằng ngày trên khắp các con phố, ngõ, hẻm có thể thấy rằng hoạt động kinh tế này đã đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho những người không có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định và phải tính kế mưu sinh trên hè phố.

Thực tế, hoạt động kinh tế vỉa hè lại có những trường hợp khác nhau, có hộ hoặc người kinh doanh dựa vào không gian mặt đường của mình chứ không phải do lấn chiếm; có trường hợp dựa vào không gian của mình và lấn chiếm thêm vỉa hè công cộng; cũng có trường hợp hoàn toàn do lấn chiếm và có loại hình bán hàng rong. Đối với tình trạng chủ hàng quán lấn chiếm bất hợp pháp vỉa hè công cộng gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đường phố, ảnh hưởng cảnh quan môi trường về thành phố văn minh thì việc thiết lập lại trật tự vỉa hè giải tỏa tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp là cần thiết để thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật.

Nhưng nếu các hộ kinh doanh đều thôi lấn chiếm vỉa hè công cộng và chỉ dựa vào không gian được quy hoạch tập trung thành các tuyến phố, trung tâm ẩm thực vỉa hè, phân bổ đồng đều trong các khu vực thì các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè không chỉ vẫn có thể diễn ra bình thường, mà còn tốt hơn sôi động hơn vì đường thông, hè thoáng, khách đến đông hơn, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.

“Văn hóa vỉa hè” từ lâu đã trở thành những nét độc đáo riêng của Việt Nam. Không ít khách lịch bị thu hút bởi những khu phố có nét văn hoá độc đáo này, điển hình như phố tây Tạ Hiện, Hà Nội. Vào các buổi tối hoạt động kinh tế vỉa hè nơi đây luôn sôi động, hàng quán luôn đông nghịt, nguồn tiền thu được là rất lớn bởi có tới hàng trăm, hàng nghìn lượt khách ghé vào mỗi ngày.

Với một thành phố đang muốn xây dựng du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn như Hà Nội thì đây là những dấu hiệu rất đáng mừng. Rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể có các hoạt động kinh doanh trên các vỉa hè như khu phố cổ Tạ Hiện này, tạo được những không gian văn hóa đặc sắc thay vì những hoạt động kinh tế trên các vỉa hè lộn xộn, tràn lan…nếu như đưa ra được chính sách đúng đắn để khắc phục những bất cập.

Câu hỏi đặt ra cho các nhà quy hoạch lúc này là cần đưa ra giải pháp cụ thể cho số lượng lớn người dân đang “bám” vào vỉa hè để mưu sinh. Đồng thời, thay vì việc ra quân rầm rộ cần có kế hoạch thực hiện những giải pháp thiết thực một cách đồng bộ, nhất quán để giải quyết tận gốc rễ: Từ công tác quy hoạch giao thông đô thị, bố trí sử dụng vỉa hè khoa học đến việc thực hiện quy hoạch xây dựng những tuyến phố, những khu trung tâm ẩm thực phù hợp cho hoạt động kinh doanh vỉa hè… để vừa đảm bảo mỹ quan vừa giữ được nét đặc trưng văn hoá của đô thị.

Nguyễn Ly