13 thí sinh dự thi nghề Chăm sóc sức khỏe và Xã hội đến từ các thương hiệu đào tạo y tế nổi tiếng uy tín như Cao đẳng Y tế Thái Bình, Cao đẳng Y tế Bạch Mai Hà Nội; Cao đẳng y tế Hái Phòng, Lâm Đồng…đã làm nóng “đường đua” Hội đồng thi số 4 tại Trường cao đẳng Y tế Thái Bình khi các thí sinh tranh tài quyết liệt ở cả 3 tiêu chí: Kiến thức; Kỹ năng và thái độ hành nghề.
Thi 4 mô đun thuộc 4 lĩnh vực, thời gian làm bài 720 phút
Ngày 18 tháng 7, tại Hội đồng thi Quốc gia số 4 do Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đăng cai đã tổ chức Lễ khai mạc nghề Chăm sóc sức khỏe và xã hội.
Tới dự Lễ khai mạc có Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng BTC; Bà Trần Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tỉnh Thái Bình cùng sự có mặt của 13 thí sinh dự thi đến từ 7 đoàn tham dự (Thái Bình, Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hải Phòng, Hội điều dưỡng Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam).
Phát biểu tại Lễ khai mạc ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, chuẩn bị tổ chức của BTC kỳ thi KNN Quốc gia lần thứ 12 và Hội đồng thi số 4, điểm đăng cai tổ chức nghề Chăm sóc sức khỏe và xã hội tại trường Cao đẳng Y tế Thái Bình.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 kéo dài, BTC kỳ thi KNN Quốc gia đã thích ứng an toàn, tổ chức kỳ thi linh hoạt, hiệu quả. Kỳ thi có ý nghĩa hướng tới Ngày kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), khuyến khích người học “học tập suốt đời”, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề, phát huy nội lực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập với Thế giới.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ lời động viên tới các thầy cô giáo, sinh viên ngành Chăm sóc sức khỏe và xã hội, nghề Điều dưỡng vượt qua những khó khăn, thử thách đặc thù của nghề để đóng góp cho nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cho xã hội.
Thứ trưởng chúc các thí sinh dự thi tự tin, lạc quan, nhiệt huyết và phát huy tối đa năng lực, khẳng định kỹ năng nghề của mình tại kỳ thi và luôn có tình yêu với nghề để mang đến những điều tốt đẹp, trái tim thiện nguyện đến với người bệnh và cộng đồng.
Thí sinh tranh tài năng lực trên 3 tiêu chí
Theo kế hoạch, các thí sinh lần lượt thực hiện bài thi với 8 tình huống ( thời gian 90 phút/ tình huống). Để hoàn thành bài thi trong tổng thời gian là 720 phút, mỗi thí sinh phải thi tối thiểu 4 buổi .Đề thi thể hiện công việc của nhân viên y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội.
Đề thi gồm 4 mô- đun thuộc 4 lĩnh vực: Chăm sóc tại Viện dưỡng lão, chăm sóc tại bệnh viện, chăm sóc ban ngày và chăm sóc tại nhà. Mỗi mô- đun gồm 2 tình huống, thi trong 180 phút. Tổng thời gian thi là 12 giờ.
Những năng lực thí sinh cần đạt được tại kỳ thi gốm: kiến thức; kỹ năng thực hành nghề điều dưỡng và thái độ thân thiện với người bệnh, đồng nghiệp và biết cách vận dụng linh hoạt trong các trường hợp cấp cứu.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Trường cao đẳng Y tế Thái Bình, đơn vị đăng cai, đã chuẩn bị chu đáo từ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu chuyên môn của BTC kỳ thi KNN Quốc gia. Các phòng thi được bố trí thuận tiện cho việc di chuyển, làm việc, thi của các thí sinh, tiểu ban giám khảo và giám sát.
Công tác y tế, phòng chống dịch Covid được chuẩn bị theo quy định, đảm bảo an toàn tối đã cho hội thi ( 100% các thành viên đoàn tham gia hội thi có kết quả xét nghiệm âm tính). Công tác an ninh, nhà trường phối hợp phòng PA03- Công an tỉnh Thái Bình đảm bảo an ninh theo quy định kỳ thi cấp quốc gia…
Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia tham dự ở Ban đề thi đều được lựa chọn là những chuyên gia có kinh nghiệm trong chuyên môn ngành điều dưỡng; đổi mới đội ngũ giám khảo 100% là thành viên độc lập (không trong các đoàn dự thi), nhằm đảm bảo tính công bằng tuyệt đối kết quả thi. Các chuyên gia tham gia 100% các buổi tập huấn quy chế, hướng dẫn chấm thi trên phần mềm CIS của BTC…
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 4:
Về cơ bản cấu trúc đề thi của nghề Chăm sóc sức khỏe và xã hội đều áp dụng đề chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, qua đợt dịch Covid- 19, nhu cầu về chăm sóc người bệnh rất lớn và vượt qua giới hạn chăm sóc tại các cơ sở y tế, bệnh viện, đó là nhu cầu chăm sóc người bệnh tại nhà. Trong cấu trúc đề thi được phép thay đổi 30% đề thi và tình huống chăm sóc người bệnh tại nhà đã được đưa vào nội dung tích hợp thi kỹ năng nghề Chăm sóc sức khỏe và xã hội. Điều này này rất sát với thực tế cuộc sống, người làm nghề chăm sóc sức khỏe và xã hội với nội dung kiến thức được học sẽ linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu thực tế và áp dụng được kỹ năng của mình chăm sóc người bệnh dù ở bất cứ nơi đâu.
Bên lề kỳ thi KNN Chăm sóc sức khỏe và xã hội, BTC cũng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về Chăm sóc sức khỏe và xã hội. Một số nội dung chuyên đề về đào tạo nguồn nhân lực Điều dưỡng, nhân viên chăm sóc với những cơ hội việc làm và thử thách trong bối cảnh quốc tế về khủng hoảng nguồn nhân lực; đào tạo điều dưỡng chuyên khoa và chuyên sâu; hệ sinh thái kỹ năng nghề và một số khuyến nghị thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khối ngành sức khỏe….
Các chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia từ Hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia về ngành Điều dưỡng của Nhật Bản… đã mang đến cho các đại biểu tham dự những giải pháp, đưa ra ý kiến đề xuất hữu ích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ở nhóm ngành nghề này tại cơ sở đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội cho xã hội ở trong và ngoài nước.
Thu Thủy – Trung Chính