“Kiên quyết đổi mới” là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi nêu quan điểm về việc thực hiện chủ trương phân cấp, ủy quyền. Đây là quan điểm có ý nghĩa rất quan trọng khi thành phố xác định, kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu, còn phải làm tiếp và làm mạnh hơn nữa.
Trên thực tế, phân cấp, ủy quyền là việc khó. Trong cuộc trao đổi với các học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố đã chia sẻ bài học kinh nghiệm quan trọng nhất để làm việc này là phải có quyết tâm chính trị, giao nhiệm vụ đi liền với giao chỉ tiêu, gắn liền với kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ.
Đây là việc mới, việc khó, nhưng nhờ kiên quyết đổi mới mà Hà Nội đã làm được, có khởi đầu ấn tượng. Cụ thể, thành phố đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện 9 lĩnh vực, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp; đồng thời thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, chiếm khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính (gần gấp đôi chỉ tiêu 20% mà Chính phủ giao cho các địa phương). Kết quả phân cấp, ủy quyền vừa qua đã tạo ra không khí hồ hởi, phấn khởi cho các địa phương, đặc biệt là đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Có thể nói, một khi kiên quyết đổi mới thì dù việc có khó đến đâu vẫn có thể thành công. Tuy nhiên, yêu cầu, nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành phải kiên quyết đổi mới hơn nữa.
Trước hết, bởi mục tiêu phân cấp, ủy quyền mà Hà Nội hướng tới là cấp nào làm tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn thì giao cho cấp đó và cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp, ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đây là mục tiêu lớn, để đạt được một cách toàn diện không thể thiếu một tinh thần: Kiên quyết đổi mới.
Ngoài ra, vấn đề còn khó khăn và lớn hơn là trên cơ sở Đề án phân cấp, ủy quyền thì quy trình nghiệp vụ của các cơ quan, các cấp phải điều chỉnh; tổ chức bộ máy phải đổi mới theo. Để làm được việc này, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị phải được rà soát, điều chỉnh. Vì thế, có cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ phải thêm người, nhưng ngược lại có những nơi phải tinh giản bộ máy. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền lợi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; không thể tránh khỏi những “va chạm”, nên càng không thể thiếu tinh thần kiên quyết đổi mới.
Vừa qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy đối với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố, mặc dù rất khó khăn, nhưng đem lại những chuyển biến tích cực. Tới đây, thành phố sẽ đổi mới tổ chức bộ máy đối với các sở quan trọng, có nhiều thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc; sau đó là các sở, ngành: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội… Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu là tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính.
Đây thực sự là niềm tin, sự chờ mong của người dân và doanh nghiệp. Nhưng để làm được, tinh thần kiên quyết đổi mới của lãnh đạo thành phố mới chỉ là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ” chính là tinh thần đó phải lan tỏa ở chính cấp ủy Đảng, ban lãnh đạo của những cơ quan, đơn vị này.
Theo Hanoimoi