Ước tính theo kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 so với trường hợp không có đại dịch (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày)”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Ngày 31/3, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 với tiêu đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19”.
Báo cáo nhận định, đại dịch virus tạo cú sốc nguồn cung ở Trung Quốc đến nay đã gây ra cú sốc trên toàn cầu. Các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương (ĐA-TBD), đang phục hồi sau căng thẳng thương mại và đang chống chọi với dịch cúm virus, nay lại phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái và sốc tài chính toàn cầu.
Để ứng phó những cuộc khủng hoảng thông thường, hầu hết các quốc gia ĐA – TBD sử dụng các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và quản lý tài chính cẩn trọng. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến là sự xuất hiện đồng thời của nhiều tình huống bất lợi.
Đau đớn về kinh tế có lẽ không thể tránh khỏi ở tất cả các quốc gia. Các quốc gia buộc phải hành động ngay, bao gồm đầu tư cấp bách tăng cường năng lực hệ thống y tế và ban hành các biện pháp tài khóa có chọn lọc – nhằm giảm nhẹ một số tác động trước mắt, theo báo cáo ĐA – TBD thời Covid-19, là số tháng 4/2020 của ấn phẩm Cập nhật Kinh tế ĐA – TBD của Ngân hàng Thế giới.
Dự báo tăng trưởng chính xác là việc rất khó trong một môi trường thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, báo cáo này trình bày cả kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống kém hơn. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển ĐÁ – TBD được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ chỉ còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp sẽ giảm tới mức âm 0,5% cho năm 2020, so với mức dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019. Kiềm chế được đại dịch sẽ giúp các nền kinh tế trong khu vực hồi phục một cách bền vững, mặc dù rủi ro vẫn còn đáng kể do căng thẳng trên thị trường tài chính.
Cú sốc Covid-19 cũng tác động nghiêm trọng đến nỗ lực giảm nghèo trên toàn khu vực. Ước tính theo kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 so với trường hợp không có đại dịch (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày).
Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và kịch bản tình huống thấp hơn xảy ra, số người nghèo ước tính sẽ tăng khoảng 11 triệu người. Các dự báo trước đó đưa ra ước tính 35 triệu người trong khu vực ĐA – TBD sẽ thoát nghèo vào năm 2020, bao gồm trên 25 triệu người chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
“Các quốc gia ĐA – TBD trước đó đã gồng mình chống chọi căng thẳng thương mại quốc tế và ảnh hưởng do Covid-19 lan truyền ở Trung Quốc, nay lại phải đối mặt với cú sốc toàn cầu,” theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Khu vực ĐA – TBD của Ngân hàng Thế giới. “Tin mừng là khu vực có những điểm mạnh có thể tận dụng, nhưng các quốc gia phải hành động nhanh chóng ở quy mô chưa từng có”.
Một trong những hành động được khuyến nghị trong báo cáo là đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của quốc gia. Báo cáo cũng khuyến nghị phải có cách tiếp cận tích hợp về kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Các biện pháp tài khóa có mục tiêu – chẳng hạn trợ cấp nghỉ ốm và y tế – sẽ giúp kiềm chế và đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về vốn nhân lực.
“Ngoài những biện pháp mạnh mẽ trong nước, tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra. Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương cũng như các quốc gia khác phải cùng nhau chống lại dịch bệnh, tiếp tục mở cửa thương mại và phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô,” theo ý kiến của ông Aaditya Mattoo, chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo kêu gọi hợp tác quốc tế và hợp tác công – tư xuyên biên giới kiểu mới để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng các mặt hàng và dịch vụ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính sau đó.
Quan trọng là chính sách mở cửa thương mại phải được duy trì sao cho vật tư y tế và các mặt hàng cung ứng khác phải sẵn sàng đến với mọi quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi để khu vực phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Đối với các quốc gia nghèo, xoá nợ là cần thiết
Một khuyến nghị chính sách nữa là nới lỏng tín dụng để giúp các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót qua cú sốc trước mắt.
Tuy nhiên, do khả năng khủng hoảng bị kéo dài, báo cáo nhấn mạnh về nhu cầu phải kết hợp với giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong điều kiện nhiều quốc gia tại ĐA – TBD hiện đã có gánh nặng nợ lớn ở khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.
Đối với các quốc gia nghèo hơn, xoá nợ là cần thiết, sao cho nguồn lực quan trọng có thể được tập trung vào quản lý tác động kinh tế và y tế của đại dịch.
Báo cáo cũng chỉ ra rủi ro tương đối lớn về khả năng rơi vào nghèo đói ở các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành nghề đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của Covid-19, như ngành du lịch ở Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương, ngành chế tạo chế biến ở Campuchia và Việt Nam, và cả ở các hộ gia đình phụ thuộc vào việc làm trong khu vực phi chính thức ở tất cả các quốc gia.
Tại một số quốc gia, tác động của Covid-19 còn bị trầm trọng hoá thêm bởi những diễn biến đặc thù của quốc gia, như hạn hán (ở Thái Lan) hoặc cú sốc thương phẩm (Mông Cổ). Tại các quốc đảo Thái Bình Dương, triển vọng năm 2020 còn phải chịu rủi ro rất lớn do nền kinh tế của họ phụ thuộc vào viện trợ, du lịch và nhập khẩu.
Do đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế trong từng quốc gia và trong khu vực trở nên nhạy cảm hơn và có thể thay đổi hàng ngày. Phân tích trong báo cáo này được lập dựa trên dữ liệu mới nhất ở cấp độ quốc gia vào ngày 27/3.
Thanh Nhung