Ngay sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được Quốc hội thông qua, thông tin về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người được nhiều người quan tâm.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 vừa được Bộ TN&MT ban hành cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu đến từ hộ gia đình, trường học, công sở, bệnh viện, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ga, khu vui chơi giải trí…
Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có lượng rác thải sinh hoạt rất lớn cũng đã triển khai chương trình phân loại tại nguồn với mục đích tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải. Tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ nên hiệu quả phân loại vẫn chưa cao.
Chính vì thế, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có nhiều quy định mang tính đột phá, trong đó người dân, cộng đồng dân cư được tham gia từ các hoạt động giám sát, các hoạt động bảo vệ môi trường, đánh giá tác động, phòng ngừa, ứng phó sự cố cho đến các hoạt động cụ thể như phân loại rác tại nguồn…
Cùng với đó, để giảm thiểu việc chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, Luật đã quy định: Rác thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩ và chất thải rắn sinh hoạt khác; Việc thu gom, vận chuyển, xử lý tương ứng đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay…
Cơ chế tính giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại tại nguồn, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn và nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.
Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện rác không phân loại thì đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Dự kiến cấp xử lý sẽ là chính quyền cấp xã; giám sát thực hiện việc phân loại rác sẽ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thực hiện.
Để đảm bảo tính khả thi, Luật đã giao cho các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định thời điểm thực hiện phân loại tại nguồn đối với chất thải rắn sinh hoạt, thời hạn thực hiện chậm nhất là ngày 31.12.2024. Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác…; UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí…
Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí. Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác phát sinh.
Theo Baovanhoa