20/10/2022 11:44:46

Không nên tiếp tục lùi thời điểm tăng lương

Một trong những nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày mai, 20/10/2022) là Quốc hội cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở.

“Không nên tiếp tục lùi thời điểm tăng lương và cần tăng đồng đều cho tất cả các ngành, chứ không riêng gì y tế, giáo dục”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Cho ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ thảo luận về việc có tăng lương cơ sở hay không. Ông có bình luận gì về nội dung này?

Hiện tại, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, áp dụng tư ngày 1/7/2019 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Lương cơ sở áp dụng hơn 3 năm, đã quá lỗi thời, không còn phù hợp, đáng ra đã phải điều chỉnh ít nhất 3 lần rồi, nhưng do đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu ngân sách nhà nước không chỉ gặp khó khăn hơn, mà còn phải dành nguồn lực để tập trung chống dịch, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nên việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đành phải lỗi hẹn.

Sau một năm mở cửa trở lại, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân đã phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua (tăng tương ứng 8,83% và 13,67%), nhờ đó, thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm nay đạt cao nhất từ trước đến nay (1.327.300 tỷ đồng), đạt 94% dự toán và tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, quan điểm của tôi là phải tăng lương cơ sở, chứ không phải là có tăng hay không để thu hút và giữ chân người lao động trong khu vực nhà nước, đồng thời cũng bảo đảm công bằng với khu vực lao động ở doanh nghiệp, vì khu vực này đã được tăng lương tối thiểu vùng 2 lần: ngày 1/1/2020 và 1/7/2022.

Việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét tăng lương tối thiểu kể từ ngày 1/1/2023 cũng phù hợp, vì Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hàng loạt viên chức y tế, giáo dục công lập nghỉ việc, do thu nhập quá thấp. Vì vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước vẫn còn eo hẹp, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, tăng lương cho 2 đối tượng này, hoặc tăng cho 2 đối tượng này cao hơn mức tăng chung. Quan điểm của ông như thế nào?

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, kể từ đầu năm 2020 (thời gian bắt đầu diễn ra đại dịch Covid-19) đến đầu tháng 7/2022, cả nước có 16.400 lao động trong ngành giáo dục và 12.198 lao động trong ngành y tế nghỉ việc.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu do chế độ, chính sách tiền lương trong khu vực công còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống; công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia chưa tốt, những người có kiến thức, năng lực chuyên môn giỏi hơn sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút. Ngoài ra, còn do thực hiện chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên cơ sở gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ. Trong quá trình tinh giản biên chế, có cơ quan, đơn vị khối lượng công việc tăng, đây là sức ép, áp lực nhất định cho công chức, viên chức, đặc biệt là khối y tế, trong khi môi trường, điều kiện làm việc ở một số thời điểm trong khu vực công chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực của mình.

Khó khăn của công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế cũng là khó khăn chung của toàn bộ khu vực hành chính, sự nghiệp công, vì vậy, theo tôi, cần phải tăng lương bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử khu vực này, khu vực khác, lĩnh vực nọ, lĩnh vực kia, bởi ngành nào cũng có đặc thù, cũng có khó khăn riêng.

Nhưng giáo dục và y tế là những ngành rất đặc thù, liên quan trực tiếp đến giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe toàn dân, thưa ông?

Ngành nào cũng có đặc thù, có khó khăn, vất vả riêng. Ngay như lĩnh vực thống kê cũng rất đặc thù, anh chị em cũng rất “tâm tư” và có không ít người đã hoặc sẽ viết đơn xin ra khỏi ngành vì công việc càng ngày càng áp lực, khối lượng công việc càng ngày càng tăng do đòi hỏi của xã hội, của nền kinh tế cần rất nhiều số liệu, dữ liệu, điều tra, khảo sát phục vụ cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Quốc hội, Chính phủ, từng địa phương cũng như các bộ, ngành. Đặc biệt, thực hiện tinh giản biên chế, các chi cục thống kê địa phương cấp huyện phải sáp nhập với nhau để thu gọn đầu mối, khiến công việc càng ngày càng nhiều, trong khi biên chế giảm.

Đồng ý là ngành giáo dục và y tế đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe toàn dân và đầu tư, phát triển giáo dục, y tế được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách, nên ngoài việc tăng lương cơ sở như tất cả công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, theo tôi, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù đối với lĩnh vực này như nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề, đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực, hoàn thiện các cơ chế để tạo môi trường làm việc sáng tạo và thoải mái…

Nếu được điều chỉnh theo đúng lộ trình, thì hiện tại, mức lương cơ sở tối thiểu là 1,8 triệu đồng/tháng. Theo ông, lần này tăng lên bao nhiêu là hợp lý?

Đây là bài toán rất khó vì lương cơ sở lấy ngân sách nhà nước ra trả, trong khi ngân sách vẫn còn mất cân đối, năm nào cũng bội chi, nếu tăng quá cao thì sẽ dẫn đến bội chi, trong khi theo quy định thì chi trong khả năng thu, vay trong khả năng trả nợ và tuyệt đối không vay nợ về để chi thường xuyên, trong đó có chi lương.

Nếu tăng thấp quá thì “không bõ bèn gì”, còn tăng cao quá không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển và phải giảm chi các khoản cần thiết, cấp bách khác. Tôi nghĩ, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có trù liệu nhiều phương án và sẽ được trình Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ tư này.

Nhưng ít nhất, lần điều chỉnh này, lương cơ sở cũng phải tăng lên 1,8 triệu đồng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay?

Là người làm công, ăn lương từ khu vực nhà nước, cũng như tất cả công chức, viên chức ngành thống kê, tôi cũng muốn mức lương cơ sở ở mức 1,8 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn, càng cao càng tốt. Nhưng mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm nay, khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng lạm phát tiềm ẩn quay trở lại vào năm tới rất lớn. Nếu tăng lương mà lạm phát tăng, thì việc tăng lương cũng vô nghĩa, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp kể từ ngày 1/7/2022 cũng trở nên vô nghĩa, đời sống của người dân không được cải thiện. Nếu lương cơ sở tăng mà dẫn đến lạm phát thì không những không cải thiện được thu nhập cho người lao động trong khu vực công, mà còn xóa nhòa các thành tựu kinh tế, xã hội phải rất nỗ lực mới đạt được.