Dù thị trường lao động (TTLĐ) có những biến động mạnh, tác động bất lợi đến người lao động (NLĐ); đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiếp đến là bão, lũ ở miền Trung, nhưng với vai trò của mình, các Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) đã và đang thực hiện tốt hoạt động kết nối cung – cầu, dự báo TTLĐ, đồng thời kết nối hỗ trợ NLĐ tìm việc…
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 88 và các qui định trong pháp luật, tạo điều kiện để TTDVVL thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ và vai trò của TTDVVL cũng sẽ thực hiện quản trị về TTLĐ, thực hiện các chức năng của DVVL, thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây cũng là những qui định của Công ước 88, thông lệ của quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới liên quan đến hoạt động này. Hoạt động của TTDVVL hết sức phong phú, đa dạng và là một đơn vị sự nghiệp không thu, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu xã hội, do đó các hoạt động của trung tâm hướng tới là làm sao hỗ trợ, bảo vệ được NLĐ hạn chế và tránh được những rủi ro mà NLĐ dễ bị vấp phải.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động thuộc dự án 2 “Phát triển thị trường lao động và việc làm”, dưới góc nhìn của đơn vị triển khai trong thực tế, cũng như cần có giải pháp để truyền thông tốt hơn về hoạt động của các TTDVVL trong thời gian tới, nhằm đưa thông tin thị trường lao động tới người lao động cũng như doanh nghiệp một cách tốt nhất, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, TTDVVL Hà Nội được giao thực hiện tổ chức quản lý hoạt động sàn giao dịch Hà Nội từ 2007. Trong thời gian từ năm 2007-2015, TTDVVL Hà Nội đã có sự chuyển mình với những hoạt động truyền thông của Trung tâm luôn kết hợp chặt chẽ với đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thông qua triển khai các hoạt động truyền thông trên báo chí, truyền thanh, truyền hình bằng, băng rôn, phướn, khẩu hiệu… Trung tâm có nhiều hình thức để thông tin tới người lao động. Thời điểm đó, người lao động tham gia hoạt động giao dịch tại TTDVVL rất lớn, có thời điểm quá tải.
Những năm gần đây, TTDVVL Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác truyền thông để đưa hình ảnh đơn vị cần tuyển dụng, hỗ trợ nguồn cung cầu đến doanh nghiệp, người lao động nhưng việc thu hút người lao động không đông bằng trước. Thực tế, khi các doanh nghiệp và người lao động có nhiều kênh thông tin hơn, tiếp cận qua các ứng dụng mạng xã hội thì việc tiếp cận hệ thống các TTDVVL có phần hạn chế hơn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tích cực phối hợp đơn vị liên quan các cấp từ Trung ương đến địa phương, các hội đoàn thể thực hiện các nội dung truyền thông, tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiếp tục sử dụng trực tuyến, mạng xã hội như Zalo, Facebook để truyền thông, hướng đến các nội dung tuyên truyền để thông tin của đơn vị đến với doanh nghiệp và người lao động nhiều hơn. Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục mang nguồn thông tin đến tận nơi, tận cơ sở, khi đó lực lượng lao động sẽ tham gia TTDVVL Hà Nội ngày một nhiều hơn”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam, trong thời gian qua các TTDVVL đã thực hiện tốt 9 chức năng nhiệm vụ theo qui định của Luật Việc làm và Nghị định của Chính phủ, trong đó tập trung vào 3 chức năng: Thông tin TTLĐ; chắp nối việc làm; thực hiện tốt chính sách BHTN.
“Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, các TTDVVL có rất nhiều sáng kiến, đã chủ động đề xuất các biện pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo qui định của pháp luật; đồng thời, các trung tâm đã thực hiện chế độ BHTN theo phương châm 3 đúng, đó là đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn. Tuy nhiên, để các TTDVVL hoạt động, theo ông Trung cần có các điều kiện như: Cơ sở vật chất; công tác cán bộ và nhân sự vì hiện nay các trường hợp được hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, còn lại một phần từ quĩ BHTN. Về vấn đề tài chính đã được qui định rất rõ trong Nghị quyết 88 của Trung ương, tức là những hoạt động liên quan đến BHTN sẽ được lấy từ quĩ BHTN để chi như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề, chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Ông Trung cho rằng trong thời gian tới, các TTDVVL sẽ phải làm tất cả những vấn đề liên quan đến tư vấn, giới thiệu, chắp nối việc làm, hỗ trợ không chỉ cho đối tượng là NLĐ Việt Nam mà đối với cả NLĐ đi lao động ở nước ngoài và đối với cả người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Bên cạnh đó, phải có các chính sách để khuyến khích, công nhận người làm việc ở các TTDVVL là viên chức, công chức. Đồng thời, cần trang bị cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ thông tin, phương tiện đi lại, bởi có rất nhiều các TTDVVL ở tận xã, bản, nếu không có xe ô tô chuyên dụng để mang các máy móc, thiết bị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Baodansinh