Sáng 31/3, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022) do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) chủ trì tổ chức đã khai mạc với hơn 500 doanh nghiệp, cơ quan du lịch tham gia.
Tại buổi khai mạc, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITA cho biết, là một tổ chức xã hội lớn, với trên 15.000 doanh nghiệp hội viên, 60 Hiệp hội thành viên bao gồm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố và Hiệp hội du lịch chuyên ngành, VITA đã tập hợp các doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều hoạt động phòng chống đại dịch và phục hồi các hoạt động du lịch như: Diễn đàn Lữ hành toàn quốc 2021 (ngày 12/1/2021), Diễn đàn Du lịch Nội địa toàn quốc 2021 (15/4/2021), Diễn đàn “Giải pháp phục hồi bền vững Du lịch Việt Nam” (tháng 11/2021) với sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp”.
“Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2022 tuy là một sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2013, nhưng Hội chợ lần này còn mang thêm ý nghĩa mới… Đó là sự kiện mở đầu cho một giai đoạn mới của Ngành, giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới, giai đoạn ngành Du lịch bắt đầu chuyển sang ngành kinh tế xanh và kinh tế số.
“Mặc dù rất khó khăn sau hai năm đại dịch, số lượng doanh nghiệp tham dự Hội chợ vẫn trên 500 doanh nghiệp đến từ 52 tỉnh, thành phố và từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến sẽ có trên 2.000 doanh nghiệp và trên 40.000 người đến tham gia các hoạt động tại Hội chợ”, bà Lan thông tin.
Tham dự buổi khai mạc VITM Hà Nội, với chủ đề “Bình thường mới, cơ hội mới cho Du lịch Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đề nghị Hội chợ quan tâm đến một số vấn đề: “Thứ nhất, đại dịch Covid-19 mang lại cho du lịch toàn cầu nhiều khó khăn nhưng cũng mang lại cho du lịch Việt Nam nhiều cơ hội mới. Đây là dịp để chúng ta tư duy lại, định vị lại, cơ cấu lại ngành du lịch, tạo ra sự bứt phá mới, đẳng cấp mới trong phát triển.
Thứ hai, cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư cho sản phẩm mới, điểm đến mới, đường bay mới theo nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp trong du lịch.
Thứ ba, cơ cấu lại thị trường khách du lịch sau đại dịch, đặc biệt là các thị trường khách du lịch quốc tế; đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn; chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch như các hoạt động quảng bá, xúc tiến trên nền tảng số.
Thứ tư, các địa phương, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, điểm đến của các quốc gia khác trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới”.
Cuối cùng, VITM Hà Nội 2022 có rất nhiều sự kiện và hoạt động bên lề với nhiều nội dung khác nhau liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch, ông Việt đề nghị các địa phươg doanh nghiệp tận dụng tối đa thời gian để nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới.
Theo baodautu.vn