Cả nước có hơn 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng đạt 84%.
Năm 2019, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả dự án “Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với đối tượng yếu thế” thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội.
Chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ; đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.989.882 người (Trong đó: 48.259 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.658.098 người cao tuổi; 1.098.240 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 185.285 đối tượng khác).
Quan tâm chăm lo đời sống người cao tuổi (Cả nước có 1.658.098 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, cả nước có hơn 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội).
Cùng với đó, trợ giúp, phục hồi chức năng, hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho khoảng 1,5 triệu người khuyết tật (gồm: 1.098.240 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khoảng 487.574 người khuyết tật nhẹ).
Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018 – 2020 đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tăng cường thí điểm chi trả trợ cấp cho đối tượng qua các tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Theo dõi sát tình hình thiên tai, dịch bệnh; tổ chức thực hiện công tác cứu trợ đột xuất đầy đủ, kịp thời.
Tính đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 Quyết định hỗ trợ 7.805 tấn gạo cứu đói cho 166.282 hộ, 520.354 nhân khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; cấp gạo cứu đói giáp hạt cho 13 tỉnh với tổng số gạo là 6.869,410 tấn gạo, cứu đói cho 115.637 hộ/457.962 nhân khẩu.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương đã tập trung rà soát, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ…) để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Bộ Lao động – TB&XH cho biết, tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội là 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập). Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Nhìn chung, các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội được triển khai hiệu quả, bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp kịp thời, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.
Đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng đạt 84%.
Thanh Nhung