Ngày 19/8 năm 2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030” do Công ty CP Đầu tư và Quan hệ quốc tế GLC Group, Công ty CP Quốc tế nhân ái (NA.CORP) và Công ty CP Dịch vụ thương mại quốc tế Vạn Phúc (Vanphuc.CORP) phối hợp cùng Công ty cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam VNAS tổ chức.
Hội thảo với mục tiêu kết nối doanh nghiệp, người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, cung ứng nguồn nhân lực đào tạo có kỹ năng chất lượng cao cho ngành hàng không trong nước và quốc tế và đặc biệt là hướng tới xuất khẩu lao động ngành hàng không sang Nhật Bản.
Khách mời tham dự hội thảo có ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có: bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Quốc tế Nhân Ái (NA.Corp); ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và Quan hệ Quốc tế GLC Group (GLC Group); ông Hàn Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Dịch vụ thương mại Quốc tế Vạn Phúc (Vanphuc.Corp). Đại diện lãnh đạo VNAS có: ông Nguyễn Hải Phong – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đào tạo Huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam (VNAS).
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Quốc tế Nhân Ái mong muốn đây sẽ là cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững giữa các doanh nghiệp, và quan trọng nhất là hướng tới lợi ích cho người lao động.
“Mỗi năm có khoảng 150 nghìn người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, nhu cầu sử dụng lao động có nghề ngày càng gia tăng ở tất cả các nước, trên mọi lĩnh vực và gần đây nhất là lĩnh vực hàng không. Việc hợp tác, ký kết trong tuyển sinh và đào tạo giữa các doanh nghiệp lần này là rất thiết thực, đảm bảo cho người lao động được trang bị những kiến thức chuyên môn tốt khi làm việc ở nước ngoài, và khi về nước có thể góp phần nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực Việt” – bà Thanh chia sẻ.
Dưới góc độ chuyên môn của đơn vị chuyên tư vấn tuyển sinh, đào tạo kỹ năng mềm cho các ứng viên trước khi dự tuyển vào các trường hàng không, hãng hàng không, ông Nguyễn Hải Phong – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VNAS cho rằng: “Có rất nhiều sinh viên ra trường hiện không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã chọn, nhưng các em vẫn có thể bắt đầu lại với sự lựa chọn ngành hàng không bởi cơ hội việc làm trong lĩnh này đang khá rộng mở”.
Nền kinh tế toàn cầu đang phát triển kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có hàng nghìn máy bay thương mại mới được đưa vào khai thác, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn.
Trong “Chiến lược phát triển Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030” theo Quyết định số 1834/QĐ-BGTVT năm 2014 đã đưa ra ba mục tiêu chính: đầu tư cơ sở vật chất công nghệ, kỹ thuật hiện đại; huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng đội ngũ quản lý có chất lượng phù hợp đáp ứng nhu cầu quốc tế.
Vì thế, doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, thu hút nguồn tuyển cho xuất khẩu lao động ngành hàng không là việc làm đúng với chủ trương và sự phát triển của ngành. Hội thảo Chiến lược và ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không này sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về ngành hàng không, các trường đào tạo nghề danh tiếng trong nước và quốc tế. Từ đó, giúp các bạn trẻ có cơ hội được học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.
Sau buổi hội thảo và ký kết này, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch hoạt động thiết thực, cùng giới thiệu, đào tạo nghề cho các em học sinh, tiếp tục tăng cường phát triển hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị xuất khẩu lao động, cơ sở đào tạo theo phương châm đồng hành, cùng phát triển.
Ông Phong nhấn mạnh: “Thị trường nhân lực quốc tế lĩnh vực hàng không hiện nay và thời gian tới rất cần nhân lực ở các vị trí: phục vụ mặt đất, nhân viên thủ tục hành khách, hàng hóa, nhân viên bán vé máy bay, vệ sinh máy bay, bốc xếp hành lý, hàng hóa, kỹ thuật sữa chữa, bảo dưỡng máy bay, nhân viên cân bằng trọng tải…Để đáp ứng nhân lực phục vụ xuất khẩu cho thị trường quốc tế, rất cần sự kết nối tích cực từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và doanh nghiệp – đơn vị đào tạo ”.
Còn theo ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, mỗi năm hiện Việt Nam đưa khoảng 150 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam có với mức thu nhập cao, môi trường làm việc tốt ngày càng nhận được sự chú ý từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như người lao động.
Với chiến lược dài hơi trong đào tạo và xuất khẩu nhân lực ngành hàng không, những lao động đi làm việc cho các hãng hàng không Nhật Bản nói riêng hay các nước khác sẽ có thời gian tích lũy kinh nghiệm tốt trong môi trường làm việc quốc tế. Khi hết hạn hợp đồng về nước, họ có rất nhiều cơ hội tiếp tục phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam khi rất thông thạo ngoại ngữ cũng như kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Điều này phù hợp với chủ trương của Hiệp hội Xuất khẩu lao động, cũng như sự tư vấn của các doanh nghiệp để người lao động yên tâm với sự lựa chọn của mình và đứng vững với nghề.
Nhìn từ thực trạng đến nhu cầu nguồn nhân lực ngành hàng không trong nước, cũng như quốc tế trong tương lai, các đơn vị doanh nghiệp đã nhìn ra những cơ hội và thử thách phía trước.
Khắc phục khó khăn trong giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành hàng không trong và ngoài nước, 3 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Quốc tế Nhân Ái (NA.Corp), Công ty CP Đầu tư và Quan hệ Quốc tế GLC Group (GLC Group), Công ty CP Dịch vụ thương mại Quốc tế Vạn Phúc (Vanphuc.Corp) đã ký kết với Công ty CP Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam (VNAS) chi nhánh Hà Nội chương trình phối hợp liên kết trong công tác tư vấn tuyển sinh, thu hút nguồn tuyển xuất khẩu lao động trong tâm thế sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hàng không trong và ngoài nước giai đoạn 2020 – 2025.
Thu Thủy