30/09/2023 1:11:36

Hội GDNN TP.HCM đồng tổ chức Hội thi Thư pháp lần đầu tiên

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023), nhằm bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến quý thầy cô giáo, những người luôn âm thầm ươm mầm trí tuệ cho bao thế hệ học trò, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM phối hợp với câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tổ chức Hội thi Thư pháp với chủ đề “Tôn Sư Trọng Đạo” lần thứ nhất – năm 2023.

Theo đó, mục đích cuộc thi là sự kết hợp tư duy và cái tâm người học để tiếp nối truyền thống dân tộc của ông cha ta, trao truyền tinh hoa nét chữ Việt cho thế hệ sau, từ đó tạo ra một sân chơi bổ ích để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, sự kính trọng đối với chữ Việt giúp cho nhiều người hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp Việt và giao lưu học hỏi trên phạm vi cả nước.

Ông Võ Dương, Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt – Trưởng Ban tổ chức Hội thi Thư pháp với chủ đề “Tôn Sư Trọng Đạo” lần thứ nhất – năm 2023

Ông Võ Dương, Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt – Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: “Thông thường các Hội thi Thư pháp chỉ dành cho các Câu lạc bộ hay hội nhóm nghệ nhân thư pháp chuyên nghiệp. Năm nay, để khuyến khích quảng bá, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống trong cả lực lượng tri thức trẻ là học sinh, sinh viên các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Hội thi năm nay sẽ có 2 hệ thống giải dành cho giới chuyên nghiệp và không chuyên”.

Cụ thể, quy mô Hội thi sẽ dành cho tất cả mọi người yêu thích thư pháp, không phân biệt độ tuổi trên cả nước. Thí sinh tham gia có thể đăng ký ở nhóm chuyên nghiệp (nhà thư pháp chuyên nghiệp) hoặc nhóm không chuyên (người yêu thích thư pháp, bao gồm cả học sinh, sinh viên).

Các thành viên trong Ban tổ chức của Hội thi Thư pháp lần thứ nhất – năm 2023

Hội thi Viết thư pháp năm 2023 gồm 24 giải thưởng, mỗi nhóm gồm 12 giải, tổng giải thưởng hơn 100 triệu đồng cùng nhiều quà tặng. Mỗi người tham gia tối đa 4 tác phẩm (phải thống nhất họ tên hoặc bút danh) và theo đúng quy định về Nội dung cùng Quy cách tác phẩm dự thi.

Người dự thi sẽ chụp hình tác phẩm (ảnh thực, không chỉnh sửa) gửi về email ([email protected]) để xét tuyển sơ khảo (hạn chót đến hết ngày 20/10/2023). Khi lọt vào vòng chung khảo, ban tổ chức sẽ thông báo để người dự thi gửi bản chính tác phẩm. Các tác giả sẽ gửi tác phẩm về BTC đến hết ngày 31/10/2023.

(Dự kiến) các tác phẩm của vòng chung khảo sẽ được trưng bày và chấm giải từ ngày 11/11 đến 14/11/2023 tại Khách sạn Kỳ Hòa Sài Gòn (238 đường 3/2, phường 12, quận 10, TP.HCM) hoặc Trung tâm Văn hóa Hòa Bình (141 Bắc Hải, Phường 14, Quận 10, TP.HCM).

Thời gian khai mạc triển lãm các tác phẩm xuất sắc và trao giải dự kiến từ ngày 15/11 đến 20/11/2023 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Đặc biệt, các tác phẩm đạt giải sẽ được trưng bày, bán đấu giá từ thiện. Số tiền đấu giá các tác phẩm đoạt giải sẽ được dùng để đóng góp cho các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học… để giúp đỡ các học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong hệ thống trường nghề có điều kiện tiếp tục học tập.

Theo Nghệ nhân Võ Dương, Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt, mảnh đất thư pháp rất màu mỡ nhưng sống bằng nghề viết thư pháp rất khó, chỉ một số người có tư duy và kỹ năng tốt mới có thể sống bằng nghề này. Cá nhân ông tốt nghiệp trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng từng có một công việc ổn định với mức thu nhập cao. Thế nhưng để theo đuổi niềm đam mê và tư tưởng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của thư pháp, năm 2020 ông đã nghỉ công việc đó, dành toàn tâm và thời gian cho thư pháp.

Bên cạnh đó, thư pháp Việt không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là một bộ môn nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, nuôi dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc… cho thế hệ trẻ. Đồng thời, đây còn là một bộ môn rèn luyện kỹ năng viết, vẽ và rèn luyện tâm tính rất tốt.

Nghệ nhân Võ Dương chia sẻ: “Tôi hy vọng, qua cuộc thi và việc Hội GDNN TP.HCM nhân rộng trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo nghề sẽ lan tỏa nghệ thuật thư pháp Việt đến rộng rãi hơn với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có như thế, bộ môn thư pháp Việt mới được duy trì, bảo tồn, phát triển bền vững theo thời gian”.

Nội dung và Quy cách tác phẩm dự thi

1/ Nội dung:

–  Các tác giả tham gia hội thi bằng tác phẩm sáng tác với nội dung chủ đề“Tôn Sư Trọng Đạo”;

– Tác phẩm tự do sáng tác, đúng chủ đề (Chữ thư pháp, Chữ và tranh…)

 2/ Quy cách tác phẩm dự thi:

– Tác phẩm dự thi trên giấy Dó, giấy Xuyến chỉ, giấy Bo Mỹ thuật, trên vải, trên gỗ, đồng,… (đa vật liệu) và được đóng khung.

– Kích thước

+ Dài: không nhỏ hơn 60cm (phủ bì khung)

+ Rộng: không nhỏ hơn 60cm (phủ bì khung)

– Tác phẩm dự thi chỉ hợp lệ khi có cung cấp đầy đủ các thông tin: Tên tác phẩm; bài giới thiệu ngắn gọn, xúc tích về ý nghĩa; họ và tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ, số điện thoại và email của tác giả.

Quang Trung