Mức học phí Đại học Y dược TPHCM công bố khiến nhiều người bất ngờ, vì khá cao so với mặt bằng chung của các trường đại học khác ở Việt Nam.
Theo đề án tuyển sinh của ĐH Y Dược TPHCM, học phí năm 2020-2021 ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng – Hàm – Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm.
Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức học phí cũ. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%. Trong khi đó, mức học phí hiện tại của ĐH Y Dược TPHCM chỉ là 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm.
Mức học phí mà trường đưa ra còn cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Khoa Y thuộc ĐHQG TP.HCM cũng điều chỉnh mức học phí. Theo đó, với 3 ngành đang đào tạo là Y khoa chất lượng cao, Dược học chất lượng cao và Răng hàm mặt chất lượng cao, số tiền sinh viên dự kiến phải đóng trong năm học mới là từ 55 triệu đến 88 triệu đồng.
Cụ thể, ngành Răng Hàm Mặt là 88 triệu đồng/năm (tăng 8 triệu đồng), Y khoa 60 triệu đồng/năm (tăng 4 triệu đồng) và Dược học 55 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng). Mức học phí này nằm trong lộ trình thay đổi học phí của khoa Y – ĐHQG TP.HCM trong giai đoạn từ 2019-2021.
Đại học Y dược Cần Thơ cũng công bố học phí cho năm học 2020-2021 là 24,6 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với mức 19,2 triệu đồng như các năm trước.
Không chỉ y dược, một số ngành khác cũng rục rịch tăng học phí.
Cụ thể năm học 2020-2021, chương trình đại trà Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố học phí 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2021-2022 là 22 triệu đồng, 2022-2023 là 24 triệu đồng và 2023-2024 là 26 triệu đồng.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố mức học phí áp dụng cho sinh viên năm nhất trong năm học tới. Theo đó, với chương trình đào tạo chuẩn, học phí sẽ dao động từ 20 đến 24 triệu đồng tùy từng ngành, mức này tăng so với mức từ 16-22 triệu đồng của năm ngoái. Riêng học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3 – 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các trường công lập được tự chủ, chi phí đào tạo sẽ phải được tính cân bằng giữa thu và chi.
“Nếu được tự chủ, người học sẽ phải đóng phần lớn chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội. Đối với trường công, học phí phải phù hợp, ở mức độ vừa phải với thu nhập của người dân, chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo”, ông nói.
Theo ông Khuyến, nếu chi phí đào tạo sau tự chủ lên quá cao thì cần tính toán lại để các chi phí khác như nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất… phải gánh bớt. Các thông tin này phải minh bạch và công khai để xã hội hiểu tại sao học phí lại tăng cao như vậy.
“Nhiều trường lý giải là không thu như thế không thể đào tạo được, nhưng lãnh đạo các trường phải tính đến giảm chi phí đào tạo, thậm chí cân đối lại chất lượng đầu ra để vẫn đảm bảo chi phí vừa phải, phù hợp với học phí. Còn nếu muốn tăng hoặc giữ nguyên chất lượng thì phải tìm thêm các nguồn khác chứ không thể nâng vô tội vạ được”, ông nói.
Về phía Bộ Y tế, ông Ngô Vũ Thắng – Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính cho biết chỉ nắm thông tin trường đại học này tăng học phí qua báo chí.
Ngay sau đó, Vụ Kế hoạch tài chính làm công văn yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể việc tăng học phí.
Theo ông Thắng, việc xây dựng học phí cần xin ý kiến bộ, ngành về thẩm quyền tăng học phí như thế nào. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần xem mức thu ĐH Y Dược TP.HCM xác định trên cơ sở nào. Đến nay, bộ vẫn chưa nhận được báo cáo từ trường nên chưa thể đưa ra đánh giá.
Để đảm bảo việc đào tạo có chất lượng, các trường nói buộc phải tăng học phí. Tuy nhiên, điều tất yếu này đang kéo theo nhiều nỗi lo của học sinh, phụ huynh. Tiêu chí chọn trường bây giờ không chỉ cần phù hợp với năng lực mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
PV (T/h)