18/10/2024 9:13:12

“Học Công nghệ thông tin không phải để đi dọn dẹp, vệ sinh máy tính”

TheoThạc sĩ Nguyễn Hoài Linh Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (HPC), không ít sinh viên chọn nghề công nghệ thông tin theo hiệu ứng đám đông trong khi bản thân không có niềm đam mê hay năng lực phù hợp. Vậy nên, các sinh viên này có tâm lý “học cho xong”, “học cho có cái bằng” nên nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Trong quá trình học, không ít sinh viên đã quyết định rẽ sang ngành nghề khác phù hợp hơn. Nhà trường cũng sẵn sàng giúp các em có được cơ hội chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp hơn với bản thân.

Bằng kinh nghiệm và tâm huyết của một người vừa quản lý vừa giảng dạy, thầy Linh cho rằng, tuổi trẻ không nên lãng phí thời gian. Ngay từ bước chọn trường, chọn nghề, sinh viên nên tìm hiểu tính chất ngành nghề muốn theo đuổi và nuôi dưỡng nghề bằng thái độ tích cực, để sau này sống được bằng nghề mình đã chọn. Khi đó các em sẽ mang lại lợi ích cho chính bản thân và xã hội.

Thầy Nguyễn Hoài Linh: “Sinh viên Công nghệ thông tin phải phấn đấu học tập, thực sự trở thành những kỹ thuật viên đầy sáng tạo”. 

“Đối với nghề Công nghệ thông tin, sinh viên nên xác định mục tiêu học không phải để ra trường làm công việc dọn dẹp, vệ sinh máy tính mà phải thực sự trở thành những kỹ thuật viên đầy sáng tạo, mang đến cho nhà tuyển dụng những sản phẩm đạt chất lượng” – thầy Linh nhấn mạnh.

Sinh viên trong hệ thống GDNN có lợi thế bởi thời lượng ứng dụng thực hành chiếm tới 70%, còn lại 30% là lý thuyết. Tại Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội, sinh viên được thực học, thực hành và trải nghiệm tại doanh nghiệp qua 2 chu kỳ, đó là: Thực tập chuyên đề đối với sinh viên năm thứ hai và thực tập tốt nghiệp đối với sinh viên năm thứ ba.

Đây là sự khác biệt hẳn so với sinh viên đại học, giữa kiến thức hàn lâm và kiến thức kỹ năng thực hành khi sinh viên được thực chiến cùng với doanh nghiệp. Mỗi mô- đun chương trình đào tạo hoàn thành là các em đã nắm vững kiến thức, kỹ năng và quy trình để làm ra một sản phẩm có sự giám sát, đánh giá khách quan của nhà trường và doanh nghiệp.

Với sức hút của nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, trung bình mỗi năm HPC thu hút gần 500 sinh viên đăng ký theo học. Điều đó đồng nghĩa với sự đòi hỏi không ngừng, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường để đào tạo ra nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin dồi dào và chuyên nghiệp.

Ngành Công nghệ thông tin ở Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội được thiết kế 3 chuyên ngành đào tạo đó là: Ứng dụng phần mềm; Lập trình máy tính và nghề Thiết kế đồ họa. Có thể nói, đây là 3 nghề luôn bổ trợ cho nhau, đòi hỏi sinh viên cần có sự tích hợp kiến thức và linh hoạt vận dụng kỹ năng trong công việc.

Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng được nhà trường rèn luyện cho các bạn sinh viên Công nghệ thông tin

Nói về chuẩn đầu ra đối với các kỹ thuật viên ngành Công nghệ thông tin, thầy Nguyễn Hoài Linh cho biết: Đó là khả năng tư duy lập trình, quản lý các dự án, phân tích và thiết kế chức năng phần mềm ứng dụng (thiết kế trang web phần mềm ứng dụng, phần mềm quản lý…) đối với lập trình viên và lập trình máy tính.

Còn đối với nghề Thiết kế đồ họa là những khả năng sáng tạo luôn hướng đến cái đẹp, tính thẩm mỹ trong từng sản phẩm từ khâu thiết kế đến khi thành phẩm, đánh giá được bằng nhãn quan cũng như cảm nhận được độ chắc, bền của sản phẩm. Chẳng hạn những thành phẩm đó là những bao bì, hộp quà tặng, hộp đựng sản phẩm…v.v. Nhà trường đặt niềm tin rất lớn ở các em sinh viên theo học ngành này sẽ phát huy được những tố chất, năng khiếu và đặc biệt sáng tạo không ngừng trong thiết kế, cho ra những sản phẩm và được nhà tuyển dụng ghi nhận.

Đội ngũ giảng viên khoa Công nghệ thông tin- HPC luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên

Với mục tiêu góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành công nghệ thông tin của nhà trường, thầy Nguyễn Hoài Linh luôn gần gũi, hiểu được những ưu, nhược điểm của sinh viên, từ đó xây dựng hệ thống giáo trình, bài giảng chuyên biệt hóa tới từng đối tượng, giúp sinh viên tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Với thực tập chuyên đề, thầy Linh và các thầy cô giáo ở khoa phối hợp cùng đội ngũ cán bộ ở doanh nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên giải các đề bài thực tế mà doanh nghiệp đưa ra, giúp sinh viên nâng cao tay nghề và khả năng tư duy sáng tạo.

Từ những yêu cầu gợi mở của doanh nghiệp, các em bắt buộc phải tư duy và hình thành ý tưởng để thiết kế web theo ý đồ của doanh nghiệp. Qua mỗi lần thực hiện, các em sinh viên được tổ chức làm theo nhóm 2- 3 bạn/ nhóm và mỗi bạn phụ trách một phần xây dựng nội dung góp phần tạo nên hoàn thiện của một trang website. Các công đoạn thực hiện đều có sự hướng dẫn của đội ngũ doanh nghiệp, giúp các em thực hiện bài đúng quy trình và hoàn thành tiến độ.

Một giờ đứng lớp của thầy Nguyễn Hoài Linh.

Xây dựng đội nhóm trong học tập, cũng như nghiên cứu khoa học trong sinh viên luôn được nhà trường khuyến khích, mỗi cá nhân một mặt vẫn phát huy năng lực của chính mình, nhưng các bạn sinh viên cũng học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ và bổ trợ kiến thức cho nhau. Đó cũng là yếu tố tạo nên sự thành công của sinh viên ngành Công nghệ thông tin HPC.

Thu Thủy