Mỗi năm học mới đến, TS Phạm Lan Phương – Hiệu trưởng CĐ Cơ khí Nông nghiệp (CAM- Bộ NN&PTNT) lại cùng nhà trường tiếp nhận hàng nghìn học sinh nhập học, đồng thời cũng chia tay hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp. Nhưng, tình cảm cô – trò với mỗi thế hệ học sinh, sinh viên, niềm tự hào khi dìu dắt các em trưởng thành, cũng như những trăn trở trong cuộc hành trình kiến tạo đội ngũ lao động có kỹ năng nghề cho xã hội với cô lại mỗi năm mỗi khác.
TS. Hiệu trưởng CĐ Cơ khí Nông nghiệp Phạm Thị Lan Phương
Luôn trăn trở cùng tuyển sinh GDNN
Gắn bó với công tác quản lý từ 3 năm trở lại đây, nữ Hiệu trưởng Phạm Thị Lan Phương đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của GDNN nói chung, trong đó có CĐ Cơ khí Nông nghiệp nói riêng. Từ năm 2018 đến nay, công tác tuyển sinh của trường có bước tăng trưởng nhảy vọt với khoảng 1.500 – 1.700 HSSV hệ Trung cấp (hệ 9+), Cao đẳng so với khoảng 1.000 HSSV của những năm trước đó.
Kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh từ phía tập thể đội ngũ giảng viên, cán bộ của nhà trường, góp phần thay đổi nhận thức về chọn trường, chọn nghề, chọn cơ hội việc làm hơn là chọn bằng cấp của nhiều bậc phụ huynh học sinh ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Từ năm 2018, số lượng tuyển sinh của CĐ Cơ khi Nông nghiệp tăng cao với khoảng 1.500 – 1.700 HSSV hệ TC và CĐ mỗi khóa
Tuy nhiên, TS Phạm Thị Lan Phương cũng còn nhiều trăn trở khi công tác tuyển sinh vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc phân luồng học sinh đến với GDNN mới chỉ phủ rộng ở cấp THCS mà chưa bao quát được nhiều đến nhóm học sinh tốt nghiệp cấp THPT. Trong khi đó, đối tượng học sinh cấp THCS chọn học Trung cấp (9+) lại có chất lượng đầu vào chưa cao, phần nhiều mới thu hút được con em vùng nông thôn có học lực trung bình, trung bình khá… Còn lứa học sinh sau tốt nghiệp THPT vẫn chưa ưu tiên chọn Cao đẳng nghề để học tập, phần lớn phụ huynh cũng hướng con em vào học Đại học.
Hiện nay, CĐ Cơ khí Nông nghiệp duy trì mức học sinh hệ 9+ trung bình khoảng 600 em mỗi khóa. Để thu hút những học sinh hệ 9+ này tiếp tục học liên thông lên Cao đẳng, nhà trường cũng hỗ trợ kết nối cho sinh viên học liên thông Đại học đúng với nghề chuyên môn đã chọn… những vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc thù đa phần các em học sinh hệ 9+ đều là con em vùng nông thôn, với những suy nghĩ đơn giản là học xong có Bằng kỹ năng nghề, Bằng tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện cơ bản để được đi làm, sớm có thu nhập để phụ giúp gia đình là đủ.
CĐ Cơ khí Nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo chương trình chất lượng cao những nghề được chuyển giao từ Pháp, Úc, Đức.
Vì vậy theo TS Phạm Thị Lan Phương, nhiệm vụ tìm kiếm các giải pháp để tạo sức hút tuyển sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chương trình chất lượng cao, đào tạo một số ngành nghề trọng điểm quốc tế được chuyển giao từ Pháp, Úc, Đức. Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và chất lượng cao ở các ngành như: Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Công nghệ Hàn, Điện tử công nghiệp đã được đào tạo thí điểm thành công. Các em sinh viên theo học chương trình chất lượng cao đều được các doanh nghiệp đón nhận và cử làm việc ở các vị trí quan trọng.
“Nhà trường cũng liên tục có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên ở các ngành, nghề cũng như chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn 2020- 2025, trường đã ký kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là công nhân tại các doanh nghiệp… trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng trên 21.000 lượt người. Bởi vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết được đầu ra cho người học là yếu tố then chốt, chắc chắn bài toán về nguồn tuyển cũng sẽ thuận lợi và thu hút người học tốt hơn so với trước đây” – TS Phương chia sẻ.
Riêng đối với học sinh các lớp hệ 9+, giảng viên cùng học sinh, gia đình và nhà trường đều cùng phải đồng hành “vừa dạy, vừa dỗ” để nắm bắt tâm lý của tuổi học trò, nhất là các em ý thức tổ chức kỷ luật kém, bướng bỉnh… Trong giai đoạn này, học sinh cần sự động viên, chia sẻ đúng cách để các em nhận thấy những giá trị của bản thân, nhìn thấy cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp và thúc đẩy niềm đam mê với nghề mình đã chọn…
Niềm tự hào khi HSSV trưởng thành
“Nhiều học sinh hệ 9+ khi mới bước chân vào trường với tính tình ương ngạnh, học tập còn đối phó, thì chỉ sau một tháng bằng sự chia sẻ của các Thầy Cô giáo chủ nhiệm, thông qua các hoạt động tập thể như TDTT đã giúp các em có tư duy tích cực và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và phấn đấu học tập tốt… Nhiều em học hệ 9+ dù có học văn hóa có phần yếu, nhưng lại phát huy sở trường của mình bằng kỹ năng nghề. Thậm chí nhiều em học sinh 9+ đã tham gia học sinh giỏi các môn Văn hóa cùng với hệ thống các Trung tâm GDTX, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và đạt thành tích đáng khích lệ” – TS Phương nói.
Sinh viên CĐ Cơ khí Nông nghiệp ra trường luôn được doanh nghiệp đánh giá cao, có nguồn thu nhập ổn định từ 8-12 triệu đồng/tháng
Niềm tự hào lớn nhất của mỗi giáo viên nói chung và của TS. Hiệu trưởng Phạm Thị Lan Phương vẫn luôn là những thế hệ HSSV tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định và trưởng thành trong cuộc sống.
Với CĐ Cơ khí Nông nghiệp, TS Phương và tập thể nhà trường luôn có thể tự hào khi các thế hệ học sinh dù là hệ Trung cấp hay Cao đẳng, với những kiến thức, kỹ năng nghề mà các em được lĩnh hội tại trường đều đã tìm được việc làm ổn định tại doanh nghiệp với mức thu nhập từ 8 – 12 triệu đồng/tháng, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng tay nghề. Nhiều HSSV sau tốt nghiệp, đã tự tạo việc làm và tự xây dựng “đế chế” doanh nghiệp của riêng mình, gây dựng cơ đồ với những nghề đã học tại trường.
Mỗi thế hệ HSSV ra trường, trưởng thành là niềm hạnh phúc, tự hào của TS Phạm Thị Lan Phương cũng như mỗi giáo viên CĐ Cơ khí Nông nghiệp
Có thể kể đến những cựu sinh viên như: Lê Bá Cường – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần quốc tế GIS (cựu sinh viên khoá 17-Khoa Công nghệ ô tô); Lê Ngọc Nam – Giám đốc công ty TNHH X.E Việt Nam (cựu sinh viên khoá 30 – Khoa Công nghệ ô tô); Lê Quang Hiểu – Chủ gara ô tô Quang Hiểu (cựu sinh viên khoá 52 – Khoa Công nghệ ô tô); Phó Văn Năm – Giám đốc công ty Cổ phần Bách khoa Việt Nam (cựu sinh viên khoá 51 – Khoa Công nghệ thông tin)…
TS Phạm Thị Lan Phương cũng như tập thể giảng viên CĐ Cơ khí Nông nghiệp luôn lấy đó là niềm hạnh phúc và tự hào, bởi các em HSSV trường nghề đã khẳng định được giá trị bản thân, được làm đúng nghề đã chọn và các thầy cô đã được đồng hành dạy dỗ, dìu dắt các em trong học nghề, lập nghiệp.
Thu Thủy