Sáng ngày 04/7/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam (VAVET&SOW) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. TS. Phan Sỹ Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có PGS.TS. Mạc Văn Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội và các Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hiệp hội.
Nỗ lực vượt khó, chuyển hóa thách thức thành động lực phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Phan Sỹ Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội đã nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm nay, chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng về bộ máy tổ chức chính quyền hai cấp trên cả nước; cùng với đó, sự thay đổi cơ quan chủ quản và cơ chế phối hợp mới khiến hoạt động của Hiệp hội không được thuận lợi. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm và sự chủ động, Hiệp hội đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Trong bối cảnh nhiều biến động về cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy và xu hướng chuyển đổi số sâu rộng, Hiệp hội đã kiên định phương châm đổi mới tư duy, linh hoạt thích ứng, tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động chuyên môn, chính sách, truyền thông và hợp tác quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp tiên phong kết nối, đồng hành cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) quốc gia.
Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025 theo hình thức trực tuyến.
Thúc đẩy chuyên môn, kết nối thực tiễn và thị trường lao động
Trình bày Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm của Hiệp hội, PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội đã thành lập một trung tâm hợp tác giáo dục nghề nghiệp mới, hoàn thiện hồ sơ thầu để tham gia gói thầu “Phát triển kỹ năng, đào tạo nghề” dự án do Chính phủ Úc tài trợ. Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại thành phố Hồ Chí Minh cũng rất tích cực tổ chức các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số trong nhà trường, ứng dụng AI trong giảng dạy”,…
Hiệp hội cũng đã đăng ký tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới lần thứ 46 tại Trung Quốc năm 2026 bằng hình thức xã hội hóa cho hai nghề: Thiết kế kiểu tóc và Công nghệ may thời trang. Đây là bước đi chiến lược thể hiện quyết tâm quốc tế hóa hoạt động GDNN Việt Nam.
Đặc biệt, Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp trực thuộc Hiệp hội đã tổ chức thành công Gala tổng kết năm 2024, đồng thời chuẩn bị tổ chức Hội thi Kỹ năng nghề các mô-đun chăm sóc sắc đẹp và thiết kế kiểu tóc vào cuối năm nay.
Có thể khẳng định, Hiệp hội tiếp tục giữ vị trí, vai trò là trung tâm kết nối giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, giữa nhà quản lý và đội ngũ giảng viên, người học.

Góp phần xây dựng chính sách GDNN – Bảo vệ quyền lợi cơ sở đào tạo
Một điểm sáng trong hoạt động 6 tháng đầu năm là việc Hiệp hội tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi các luật quan trọng: Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục 2019, Luật Việc làm,…
Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất duy trì ổn định mạng lưới các cơ sở GDNN, nhất là đối với các tỉnh mới thành lập từ việc sáp nhập đơn vị hành chính, trong bối cảnh các văn bản quy phạm còn chưa thống nhất.
Trên cơ sở phản ánh từ hội viên, Hiệp hội tham gia góp ý chi tiết cho Dự thảo Luật GDNN sửa đổi, bao gồm các tài liệu then chốt như: tờ trình Chính phủ, báo cáo đánh giá tác động, quy phạm hóa chính sách, rà soát pháp luật và tổng kết thi hành.
Đẩy mạnh truyền thông, nghiên cứu và kết nối quốc tế
Thời gian qua, mặc dù làm công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, nhưng Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống (phiên bản in và phiên bản điện tử) đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN, an sinh xã hội, những vấn đề thực tiễn từ cơ sở, các vướng mắc của GDNN cần tháo gỡ, phản ánh vào Luật GDNN sửa đổi,… Cùng với đó, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống và Trang thông tin điện tử của Hiệp hội (vavet.vn) đã cập nhật kịp thời thông tin hoạt động của Hiệp hội.
Hiện tại, Hiệp hội đang triển khai đề tài khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất mô hình trường cao đẳng số trong GDNN Việt Nam”, đồng thời chuẩn bị hồ sơ đấu thầu thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh tại Bắc Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Phú Thọ, …
Về hợp tác quốc tế, Hiệp hội đã tổ chức thành công Hội thảo “Hợp tác GDNN Việt – Trung” tại Hà Nội vào tháng 3/2025 với hơn 180 đại biểu. Tại đây, nhiều cơ sở GDNN Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hợp tác đào tạo, đồng thời công bố dự án phát triển chương trình đào tạo nghề trọng điểm giữa hai nước.
Ngoài ra, Hiệp hội đã làm việc với tổ chức KOICA (Hàn Quốc), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK), và Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội kết nối đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Sáu tháng cuối năm 2025: Tập trung Đại hội nhiệm kỳ mới và khẳng định vai trò
Hiệp hội xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025:
Một là, tích cực tiến hành công tác tổ chức, chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu lần IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hiệp hội; Hoàn thiện tư cách pháp nhân Trung tâm Hợp tác GDNN Việt – Trung; Làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ; Phát triển hội viên mới tại các cơ sở GDNN và doanh nghiệp.
Hai là, về công tác tham gia xây dựng chính sách – pháp luật: Tiếp tục góp ý đối với dự thảo Luật GDNN (sửa đổi), Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp; Đề xuất chính sách ổn định mạng lưới GDNN trong giai đoạn chuyển tiếp thể chế.
Ba là, về công tác chuyên môn – đào tạo: Tổ chức hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số, kỹ năng số, AI trong GDNN; Tổ chức các khóa đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý; Triển khai Dự án Aus4Skill nếu trúng thầu; Tổ chức Hội thi kỹ năng nghề trong lĩnh vực làm đẹp.
Bốn là, về công tác truyền thông: Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; Truyền thông về Đại hội lần IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hiệp hội.
Năm là, về công tác nghiên cứu khoa học, hoàn thiện đề tài cấp Bộ: Chuẩn bị hồ sơ dự thầu đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, Bộ cho giai đoạn 2026 – 2027.
Sáu là, về công tác hợp tác quốc tế, phối hợp tổ chức tọa đàm và triển lãm ảnh “50 năm GDNN Việt – Đức” với GIZ; Tổ chức các hội thảo chuyên sâu về hợp tác Việt – Trung trong giáo dục nghề nghiệp.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích cho công tác hoạt động của Hiệp hội thời gian tới. Đã có nhiều ý kiến của các Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội phát biểu tham luận tập trung vào các vấn đề: Thay vì chỉ phản biện các chính sách đã ban hành, Hiệp hội cần chủ động đề xuất chính sách, xây dựng báo cáo kiến nghị theo chuyên đề dựa trên khảo sát thực tiễn. Phản biện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung nóng như: Phân luồng sau trung học cơ sở; Tự chủ các cơ sở GDNN; Cơ chế đặt hàng – giao nhiệm vụ; Chính sách đãi ngộ nhà giáo dạy nghề; Cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Mở rộng đối thoại chính sách và thu hút tiếng nói từ cơ sở – Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thường niên hoặc theo quý, với sự tham gia của: Nhà giáo, quản lý cơ sở GDNN; Doanh nghiệp sử dụng lao động; Đào tạo đội ngũ chuyên gia phản biện chính sách có chiều sâu – Hiệp hội cần thành lập Ban/Nhóm chuyên gia cố vấn chính sách theo từng lĩnh vực: đào tạo, pháp lý, kinh tế – lao động, xã hội,… Kết nối và truyền thông để lan tỏa tiếng nói phản biện – Phát triển kênh truyền thông của Hiệp hội (báo điện tử, fanpage, bản tin, chuyên đề…) để lan tỏa các thông điệp chính sách…
Hội nghị nhất trí cao với việc bầu bổ sung một số Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội; Quyết nghị về việc triệu tập Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hiệp hội; Quyết nghị về việc đổi tên Hiệp hội thành Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam,…
Đại hội lần thứ Tư sắp tới sẽ là dấu mốc để Hiệp hội tổng kết, đánh giá, xác định phương hướng và khẳng định vai trò trung tâm kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động – hướng tới xây dựng hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, nhân văn và hội nhập.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Phan Sỹ Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hiệp hội, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội trong 6 tháng đầu năm. Chủ tịch Hiệp hội cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự về công tác hoạt động của Hiệp hội thời gian tới.
TS. Phan Sỹ Nghĩa nhấn mạnh thời gian tới công tác hoạt động của Hiệp hội sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng với sự đoàn kết và quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, hội viên Hiệp hội hiệp hội trên toàn quốc, Hiệp hội quyết tâm hoàn thành xuất sắc những kế hoạch đề ra. Đặc biệt là quyết tâm tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hiệp hội, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhất Nam