11/10/2021 10:11:21

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH và Tổng cục GDNN ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2021-2026, Tổng cục GDNN và Hiệp hội sẽ tập trung hợp tác trong các lĩnh vực đang làm điểm nghẽn của GDNN hiện nay như: vấn đề phân luồng, mô hình đào tạo 9+, đào tạo – đào tạo lại, chuyển đổi số và ứng dụng tài nguyên mở…

Ngày 8/10 tại Hà Nội, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động giai đoạn 2021-2026.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng (phải) và Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH VN Dương Đức Lân trao đổi Biên bản hợp tác giai đoạn 2021-2026

Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ rất lớn của Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam trong những năm qua đối với các hoạt động của Tổng cục GDNN, đặc biệt là lĩnh vực phản biện, xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học và truyền thông về GDNN.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh, Lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2021 – 2026 một lần nữa khẳng định sự gắn kết giữa hai bên đồng thời bày tỏ mong muốn tại buổi lễ, hai đơn vị sẽ cùng thảo luận để

Đáp từ, ông Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết, với phần lớn hội viên là các cơ sở GDNN, Hiệp hội giống như một “cánh tay nối dài” để đồng hành, hỗ trợ Tổng cục GDNN thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.

Suốt trong thời gian từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam luôn song hành cùng Tổng cục GDNN trong tất cả các hoạt động và tự hào khi được góp một phần công sức vào sự phát triển của lĩnh vực GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Từ năm 2020, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Tổng cục GDNN, nhiều chương trình hành động bị chậm, thậm chí phải tạm hoãn, kéo theo ảnh hưởng đến hợp tác của Hiệp hội với Tổng cục. Chủ tịch Hiệp hội Dương Đức Lân bày tỏ mong muốn, trong giai đoạn 2021-2026 hai bên sẽ cùng thảo luận để tìm ra các biện pháp hợp tác phù hợp trong tình hình mới, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp để hoạt động hợp tác đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hải Cường, Chánh văn phòng Tổng cục GDNN, trong giai đoạn vừa qua Hiệp hội đã đồng hành, đóng góp rất hiệu quả trong các hoạt động của Tổng cục, đặc biệt trong lĩnh vực góp ý, phản biện xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến GDNN như Luật Dạy nghề (nay là Luật GDNN, Đề án đổi mới căn bản GDNN…), lĩnh vực quản lý nhà nước về dạy nghề, các cuộc thi tay nghề, hội giảng giáo viên…

Bên cạnh đó, truyền thông GDNN cũng là lĩnh vực Hiệp hội đóng góp rất hiệu quả trên 3 kênh chính: trang website của Hiệp hội, trên ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử www.nghenghiepcuocsong.vn của Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống.

Đặc biệt từ năm 2020, ngoài việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực GDNN trên ấn phẩm in, ấn bản điện tử của Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống đã thay đổi giao diện mới, mở nhiều chuyên mục hấp dẫn như: Diễn đàn GDNN, Nhịp sống trường nghề, Câu chuyện thành công…, với nhiều tin, bài hay, hấp dẫn bạn đọc, phản ánh nhanh và hiệu quả về hoạt động của các cơ sở GDNN, công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, những tấm gương điển hình thành công từ học nghề, góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh về học nghề.

Văn hóa nghề cũng là lĩnh vực Hiệp hội đã triển khai hiệu quả tới học sinh sinh viên, tới các cơ sở GDNN cũng như doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội. Năm 2018, Hiệp hội đã đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH ban hành Kỷ niệm chương vì sự nghiệp GDNN và đã được Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận, thông qua tại Thông tư quy định về thi đua khen thưởng của Bộ, thông qua đó tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong lĩnh vực GDNN.

Về nhiệm vụ trọng tâm hợp tác trong giai đoạn tới, hai bên đã thảo luận và thống nhất Hiệp hội sẽ tập trung tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện xây dựng cơ chính sách cho GDNN; đồng hành tuyên truyền, tư vấn hội viên về các nhiệm vụ trọng tâm của GDNN góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn về đào tạo nghề nghiệp, nhất là những khó khăn, những điểm nghẽn của GDNN hiện nay như: vấn đề phân luồng, mô hình đào tạo 9+, vấn đề nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, vấn đề đào tạo – đào tạo lại đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng tài nguyên mở, quản trị nhà trường…

Phan Long