Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, xã hội học thì ma tuý là hiểm hoạ không chỉ cho bản thân người nghiện mà còn ảnh hưởng đến gia đình, ảnh hưởng đến xã hội…
Từ những hiểm hoạ nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), phòng chống ma tuý. Cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc là nơi cách ly có thời hạn của đối tượng nghiện nhằm tách ra khỏi cộng đồng theo quy định của pháp luật để cải tạo trở thành người bình thường. Đối tượng cai nghiện bắt buộc là người được xác định nghiện ma tuý từ 18 tuổi trở lên và có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong 3 năm liên tục vừa qua (2018-2020) lưu lượng đối tượng đang cai nghiện ma tuý tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinhvào khoảng từ 100-120 người. Theo khảo sát tại Cơ sở thì có 97% nghiện ma tuý tổng hợp, trên 80% người nghiện có độ tuổi từ 18 đến dưới 30, trình độ học vấn thấp, nhiều em không biết chữ; đại đa số các em xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi làm thuê kiếm sống, nhiều em có hoàn cảnh rất éo le….
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua,Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Cơ sở cai nghiện ma túy làm tương đối chặt chẽ công tác tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn cho đối tượng nghiện ma túy theo quy trình quy định.
Tuy nhiên,công tác cai nghiện ma túy tại đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất đã xuống cấp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu thiếu thốn, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; nước sinh hoạt chỉ đạt mức độ hợp vệ sinh (chưa có nước sạch); điều kiện chăm sóc sức khoẻ, y tế còn yếu kém; các hoạt động về vật lý trị liệu nâng cao sức khoẻ chưa có; các món ăn tinh thần như: sách báo, văn hoá văn nghệ gần như là bằng không.
Thêm vào đó, năng lực chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý, giáo dục thể chất, hành vi của cán bộ viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chung cho việc giáo dục nâng cao hành vi của đối tượng đang quản lý.
Để từng bước đổi mới và nâng cao công tác quản lý, giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các học viên, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng như: Phòng cảnh sát điều tra về tội phạm ma tuý Công an tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sở Y tế, Chi cục Phòng chống TNXH (Sở Lao động – TBXH), Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về cho học viên về tác hại của ma tuý và phòng, chống HIV/AIDS theo định kỳ; thường xuyên tư vấn, hướng nghiệp, lao động trị liệu giúp các em định hướng trong tương lai, sống có mục đích nhằm giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội,trong 2 năm qua Cơ sở Cai nghiện ma túyTrà Vinh đã được đầu tư xây mới và sửa chữa một số hạng mục công trình phục vụ công tác cai nghiện với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, đơn vị cũng lắp đặt hệ thống nước lọc để dùng trong ăn, uống, và 3 hệ thống thể thao ngoài trời…
Thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 6) nhân Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26/6) với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh đã tăng cường công tác quản lý giáo dục và điều trị nghiện ma túy hiệu quả hơn, cũng như giảm tác hại của ma túy đối với cộng đồng xã hội.
Các ngành, các cấp trong tỉnhcũng đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động, xử lý hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để những người sử dụng thấy được tác hại mà từ bỏ; tăng cường tuyên truyền, vận động người thân gia đình đưa đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Tiếp tục có nhiều hình thức để tuyên truyền về phòng chống TNXH, phòng chống ma tuý trong lực lượng thanh thiếu niên, nhất là đối tượng có nguy cơ tiềm ẩn.
Đặc biệt, ngày 10 tháng 12 năm 2019 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 100/2019/NQ-HĐND (có hiệu lực từ ngày 20/12/2019) về thực hiện chính sách đối với người cai nghiện ma tuý tự nguyện. Theo đó, khi đã thực hiện được thời gian cai nghiện từ 30 ngày trở lên, người cai nghiện tư nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy sẽ được hỗ trợ 100% tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, được hỗ trợ chỗ ở trong thời gian cai nghiện tại Cơ sở như người cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra còn được hỗ trợ các chi phí sàng lọc, xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sĩ…
Để các chính sách mới của tỉnh Trà Vinh được thực thi có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, đặc biệt là đối với những người đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính để đưa đi cai nghiện bắt buộc, sau khi tái hoà nhập công đồng thì UBND cấp xã phải chỉ đạo các đoàn thể ở địa phương tiếp tục giáo dục, theo dõi để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý khi tái phạm, tái nghiện. Đồng thời giới thiệu cho họ có công ăn việc làm ổn định tạo thu nhập giúp bản thân, gia đình hoặc hướng dẫn họ cách làm ăn, hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm thì công tác cai nghiện mới đạt được hiệu quả bền vững.
Với những kết quả đã đạt được cùng các giái pháp nêu trên, hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ kìm chế và đẩy lùi được tệ nạn ma túy, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Minh Anh