Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Hàn Quốc đã ban hành chính sách cho lao động EPS hết hạn hợp đồng, nhưng chưa có chuyến bay về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được vay tiền để chi trả chi phí sinh hoạt.
Số tiền vay được lấy từ nguồn bảo hiểm mãn hạn hợp đồng về nước mà người lao động tích lũy được.
Được vay tối đa 50% số tiền Bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đối tượng trong diện được vay bao gồm: Lao động EPS visa E9 hết hạn hợp đồng lao động từ sau ngày 1/2/2020 nhưng chưa thể xuất cảnh về nước do ảnh hưởng của dịch Covid nên các chuyến bay bị hạn chế; Người lao động có khoản tiền Bảo hiểm mãn hạn hợp đồng về nước, đã tích lũy được tại công ty bảo hiểm Samsung theo quy định của chương trình EPS.
Người lao động được vay tối đa 50% số tiền Bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh đã tích lũy được và phải trả lãi suất cho số tiền vay và thời gian vay thực tế là 1.5%/năm.
Thời gian vay được tính từ ngày sau ngày hết hạn hợp đồng lao động đến ngày dự kiến có kế hoạch xuất cảnh về nước. Người lao động có thể trả khoản vay về quỹ bảo hiểm của công ty Samsung bất cứ thời điểm nào trước ngày đáo hạn mà không mất tiền phí trả trước hạn.
Nếu sau ngày hết hạn hợp đồng vay mà người lao động không trả nợ vay, số tiền này sẽ tự động trừ vào khoản tiền bảo hiểm đã tích lũy được. Khi xuất cảnh về nước, người lao động chỉ còn được nhận số tiền còn lại sau khi đã trừ tiền vay và lãi vay.
Trung tâm Lao động ngoài nước thông tin: Để vay tiền, người lao động chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn vay tiền theo mẫu của công ty bảo hiểm Samsung; Bản sao sổ tài khoản ngân hàng; Thông báo gia hạn cư trú của Bộ tư pháp Hàn Quốc cấp (giấy xác nhận, ghi trên chứng minh thư hoặc dấu trên hộ chiếu tùy theo cách làm của cơ quan xuất nhập cảnh các địa phương); Hộ chiếu hoặc Chứng minh thư người nước ngoài.
Người lao động EPS có nhu cầu vay tiền từ nguồn trên, liên liên hệ Tổng đài tư vấn của Công ty Bảo hiểm Samsung: 1600-0266 để được hướng dẫn thực hiện.
Nhiều chính sách hỗ trợ lao động mắc kẹt tại Hàn
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc hết hạn cư trú, hết hạn hợp đồng không thể về nước do không có các chuyến bay.
Hàn Quốc cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài bị mắc kẹt tại Hàn. Theo đó, ngày 21/8/2020, Bộ Tư pháp cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thống nhất cho phép lao động nước ngoài E-9 hết hạn cư trú đang chờ về nước có thể chuyển đổi sang làm lao động thời vụ tạm thời.
Người lao động được chuyển đổi visa sẽ làm các công việc thuộc ngành nông nghiệp (1.109 người) và ngư nghiệp (265 người). Đồng thời, có thể lựa chọn thời hạn làm việc liên tục ở một trong ba mức 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày được bắt đầu trong khoảng thời gian từ 24/8 – 31/10.
Lao động nước ngoài E-9 hết hạn cư trú chuyển đổi sang làm lao động thời vụ tạm thời được chi trả lương cao hơn mức lương tối thiểu đã được quy định và được tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động (bắt buộc đối với các hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp)…
Về phía Việt Nam, Ban Quản lý lao động Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị, ban ngành thực hiện được một số chuyến bay đặc biệt, đưa được công dân và người lao động trong hoàn cảnh cần được ưu tiên đưa về nước an toàn.
Tại Hàn Quốc, tính đến ngày 10/8, Việt Nam đã thực hiện 6 chuyến bay đưa 1.261 công dân về nước. Trong đó có 445 lao động hết hạn hợp đồng (lao động visa E-9, E-10 và hình thức visa làm việc khác), 193 lao động cư trú bất hợp pháp hoặc quá hạn visa, 72 lao động thuyền viên tàu cá xa bờ và thủy thủ tàu vận tải bị kẹt tại cảng.
Số còn lại bao gồm người cao tuổi, du học sinh đã tốt nghiệp hết hạn cư trú, người hết hạn thị thực visa du lịch, cán bộ đi công tác bị kẹt lại, người già sang thăm thân, chữa bệnh nan y, người mang tro cốt thân nhân về nước.
Hải An